Quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới Warburg Pincus mới đây tuyên bố sẽ thành lập quỹ đầu tư trị giá 300 triệu USD để đầu tư vào thị trường khách sạn và du lịch Việt Nam, nhằm đón đầu làn sóng khách quốc tế lựa chọn Việt Nam là điểm đến du lịch lý tưởng trong 10 năm tới.
Hay quỹ đầu tư của ngân hàng Standard Chartered là SCPE vừa chi ra 40 triệu USD để rót vốn vào công ty kinh doanh công viên giải trí dành cho trẻ em Tiniworld nhằm tận dụng thị trường vui chơi cao cấp trẻ em có giá trị hàng tỷ USD đang tăng nhanh ở Việt Nam.
Trước đó, cánh tay đầu tư của Ngân hàng Thế giới là IFC đã dành khoản 10 triệu USD vào chuỗi dạy Tiếng Anh VUS. Nhưng gây tiếng vang cho thị trường có lẽ chuyện công ty phát triển bất động sản Novaland đã huy động thành công 120 triệu USD từ việc bán 10% cổ phần cho 18 nhà đầu tư trong một đấu giá mà khối lượng đặt mua gấp đôi so với lượng chào bán. Nhờ thương vụ này mà giá trị vốn cổ phần của Novaland hiện đã tăng lên mức 1,2 tỷ USD.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang đối mặt với dòng vốn ngân hàng đang siết chặt hơn, cùng tâm lý lo ngại về nguy cơ bong bóng đang hình thành thì việc huy động được một lượng vốn khủng của Novaland đã mang đến sự tự tin cho các chủ đầu tư khác vào xu thế đi lên của bất động sản trong nước.
Việt Nam vẫn đang mang lại lợi nhuận khả quan cho các nhà đầu tư. Tính đến cuối tháng 11, VN-Index đã tăng hơn 14% so với đầu năm và là một trong những thị trường tăng tốt nhất thế giới. Nhờ đó, nhiều quỹ đầu tư đã hưởng được niềm vui khi giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ (NAV per share) tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí lên đến 20-30% so với năm trước đó.
Do đó, việc nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn trong thời gian qua không phải là họ sẽ ra đi hoàn toàn. Việc bán bớt một lượng lớn cổ phiếu, nhất là nhiều mã đã tăng trưởng mạnh cũng là một cách chốt lợi nhuận, nâng cao vị thế tiền mặt để vừa bảo hiểm rủi ro (hedging) vừa có thể chi trả cổ tức cho các cổ đông.
Mặc dù Tổng thống Mỹ mới đắc cử không ủng hộ hiệp định TPP nhưng vẫn còn quá sớm để nói hiệp định này sẽ chết yểu. Nhưng ngay cả khi không có TPP, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh tại khu vực châu Á.
“Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam còn nhiều triển vọng. Chi phí gia tăng khiến Trung Quốc không còn là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất đối với nhiều DN và Việt Nam trở thành một đối thủ đáng gờm. Vị trí địa lý của Việt Nam là tầm quan trọng chiến lược cho các DN nước ngoài có hoạt động trên địa bàn Đông Nam Á. Do đó, Việt Nam trở thành trung tâm xuất khẩu lý tưởng để tiếp cận các thị trường trong khối ASEAN”, báo cáo của HSBC nhận định.
Mới đây, hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s đánh giá năng lực của hệ thống ngân hàng Việt ở mức ổn định trong vòng 12 – 18 tháng tới với mức xếp hạng B1. Hãng xếp hạng tín dụng này cho rằng sự ổn định của kinh tế vĩ mô và tăng trưởng phục hồi sẽ giúp hệ thống ngân hàng cải thiện chất lượng tài sản trên bảng cân đối kế toán.
Dù rằng, các tin tức bán ròng của khối ngoại trên sàn chứng khoán đang thu hút sự quan tâm của thị trường. Chỉ tính riêng trong tháng 11 vừa qua, khối ngoại đã bán ròng gần 82 triệu cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng giá trị 1.590 tỷ đồng (xấp xỉ 70 triệu USD). VN-Index chịu sức ép đó đã suy giảm gần 10 điểm để xuống còn 665 điểm, tương ứng giảm 1,6% so với tháng trước. Thế nhưng, sự vững tin và bản lĩnh của nhà đầu tư trên thị trường ngày càng được cải thiện.
Thực tế là bên cạnh các nhà đầu tư thoái vốn thì cũng có những nhà đầu tư khác nhìn thấy tiềm năng lớn của thị trường hơn 90 triệu dân với nền kinh tế ngày càng đa dạng và năng động. Sự rút lui của người này là cơ hội cho những nhà đầu tư khác.
Nguồn: Thoibaonganhang.vn