Tại Hong Kong (Trung Quốc), giá bất động sản quá đắt đỏ khiến nhiều người nhập cư không thể mua được nhà ở. Họ phải sống trong những căn lều được dựng trên nóc các tòa nhà cao tầng để có một nơi ăn chốn ở qua ngày.
Tuy nhiên, những cư dân nghèo khổ sinh sống ở thành phố sôi động này đang đối mặt với nguy cơ không còn chỗ trú thân khi chính quyền sở tại có kế hoạch phá dỡ những căn lều tạm bợ đó vì lí do an toàn.
Nhiều người đang sống trong những căn lều đó cũng biết là chúng rất nguy hiểm nhưng họ cho biết không thể dời đi vì những căn hộ thương mại cao cấp có giá đến hàng triệu đôla còn nhà ở xã hội thì danh sách “đặt gạch” đã kéo dài từ nhiều năm nay.
Chị Su Xingyun, 46 tuổi, sống cùng gia đình trong một túp lều có hai phòng bé xíu thuộc diện phải giải tỏa, nói: “Làm thế nào chúng tôi rời khỏi đây được, giá thuê nhà nơi khác quá cao, ít nhất phải mất vài nghìn đôla Hong Kong”. “Nhà” của gia đình chị Su được quây bằng những tấm tôn và ván gỗ ép, nằm trong một dãy gồm khoảng hơn chục “ngôi nhà” tương tự trên nóc một tòa nhà 10 tầng ở quận Sham Shui Po có đông lao động nhập cư. Gọi là “nhà” nhưng cái “phòng bếp” bé xíu luôn ẩm ướt vì bao gồm cả chỗ đi vệ sinh và một vòi nước được đặt ở một góc để cả nhà nấu nướng và tắm giặt. Chị muốn có một chỗ ở tốt hơn cho hai đứa con gái nhỏ và nói rằng gia đình chị đã nộp đơn thuê nhà ở xã hội cách đây vài năm. “Tôi thực sự lo lắng những lúc trời mưa bão. Tôi sợ mái nhà sẽ sập vì tôi có thể thấy rõ các bức tường đang rung lắc”, Su than thở.
Những căn lều trên nóc các tòa nhà chung cư cũ ở quận Sham Shui Po, Hong Kong hôm 10/10/2013. Ảnh: AFP
Chị Angela Lui, nhân viên “Tổ chức xã hội vì cộng đồng” (SoCO), cho biết: “Thậm chí với một căn hộ dù đã được chia rất nhỏ cho nhiều người ở thì tiền đặt cọc, tiền hoa hồng và tiền thuê nhà tháng đầu tiên cũng có thể lên tới hơn 10.000 đôla Hong Kong (1.300 USD). Một con số mà các gia đình nghèo không thể nào đáp ứng được”.
Nhiều căn lều giống như “nhà” của chị Su đã xuất hiện từ những năm 1950, thời kỳ có rất nhiều người từ Trung Quốc đại lục sang Hong Kong sinh sống và số lượng nhà cao tầng ở Hong Kong khi đó còn ít ỏi.
Theo chính quyền Hong Kong, trên toàn thành phố có khoảng hơn 170.000 ngôi nhà không bảo đảm tiêu chuẩn. Chính quyền tuyên bố chiến dịch xóa bỏ “các công trình xây dựng trái phép”, bao gồm cả các “ngôi nhà trên nóc” nói trên, là vì sự an toàn của cộng đồng. Từ năm 2001 đến năm 2011, cơ quan chức năng đã phá dỡ được khoảng 400.000 ngôi nhà kiểu này.
Nhưng theo chị Lui, tốc độ phá dỡ các “ngôi nhà trên nóc” diễn ra nhanh hơn nhiều so với việc bố trí tái định cư của chính quyền do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành liên quan. Cả chủ sở hữu và những người thuê lại các công trình xây dựng trái phép đều không được chính quyền hỗ trợ đền bù.
Trong khi đó, Sở Xây dựng và Sở Nhà đất của thành phố cho biết những ai có đủ tiêu chuẩn sẽ được thuê nhà ở xã hội. Một trong những tiêu chí là cư dân đã sống trên “nóc nhà” ít nhất 2 năm trước thời điểm ban hành lệnh cưỡng chế. Theo Sở Nhà đất, tính đến cuối tháng 3/2014, đã có gần 250.000 đơn đăng ký thuê nhà ở xã hội và thời gian chờ đợi trung bình cho mỗi đơn vào khoảng 3 năm. Những ai không đủ tiêu chuẩn có thể được bố trí vào những nơi ở tạm thời nhưng theo Lui thì việc rời đến các “trạm chuyển tiếp” ở ngoại ô Hong Kong đồng nghĩa với việc người dân phải đảo lộn mọi thứ từ sinh hoạt, công việc, chuyện học hành của con cái mà nhiều người không muốn.
Trong ngắn hạn, việc hỗ trợ tiền thuê nhà sẽ giúp người dân tìm được một nơi ở mới tốt hơn, nhưng để giải quyết triệt để vấn đề này đòi hỏi chính quyền phải xây thêm nhiều căn nhà mà người dân, với mức thu nhập trung bình, có thể đáp ứng được. “Chúng ta phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm rằng mọi người dân sống ở đây đều có chỗ ăn ở đầy đủ”, Lui chia sẻ.
Theo batdongsan.com.vn