Giải quyết sớm một số “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế.
BT- Hôm qua (22/9), Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2019 với chủ đề “Kết nối tiềm lực – Phát triển bền vững” đã diễn ra với sự tham dự của gần 500 đại biểu và nhà đầu tư. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá, sau 2 năm triển khai Hội nghị Xúc tiến đầu tư, Bình Thuận tập trung vào 3 trụ cột kinh tế, đã đạt những bước tiến quan trọng. Đáng chú ý kinh tế tỉnh tăng trưởng khá, GRDP 6 tháng năm 2019 tăng 8,46% là mức tăng cao nhất trong các tỉnh miền Trung. Qua đó, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục phát triển trên 3 trụ cột cũng như xác định rõ hơn Bình Thuận có lợi thế về kinh tế biển. Vì vậy, cần chú trọng phát triển kinh tế biển, vừa làm giàu từ biển vừa giữ vững an ninh biển, để đến năm 2030 cùng cả nước phát triển đột phá qua 6 lĩnh vực liên quan như du lịch biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản, nuôi trồng và khai thác hải sản, năng lượng tái tạo và phát triển kinh tế biển. Điều đó đều có gắn với 3 trụ cột phát triển của Bình Thuận. Vì vậy, Chính phủ khuyến khích, ủng hộ các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển hiệu quả kinh tế biển Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Bình Thuận có rất nhiều điều kiện, tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện còn nhiều khó khăn trong tái cấu trúc thúc đẩy kinh tế phát triển, trong đó có kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, vướng titan... Để khai thác tiềm năng và phấn đấu đưa Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển cao trong khu vực, Phó Thủ tướng lưu ý Bình Thuận cần tập trung một số việc. Cụ thể như có cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư lớn, có uy tín, tiềm lực mạnh đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để tạo đồng lực phát triển nhanh, bền vững mà không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Muốn vậy, phải làm tốt và quản lý công tác quy hoạch của tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch của quốc gia trên 3 trụ cột kinh tế. Trên cơ sở ấy, tạo quỹ đất sạch lớn để đấu giá, đấu thầu các dự án, tạo nguồn thu nhiều cho ngân sách cho xây dựng đô thị và phát triển kinh tế gắn với môi trường. Bên cạnh là khai thác tiềm năng từ biển, nắng gió, biến bất lợi thành thế mạnh. Trong tương lai sẽ có trung tâm năng lượng sạch, xử lý rác thải các loại tốt để biến thành khí, thành điện,..Hình thành khu du lịch quốc gia Mũi Né với số ngày lưu giữ khách lên cả tuần, nửa tháng thay vì 1-2 ngày như hiện nay. Chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông qua chế biến nông sản theo công nghệ 4.0, hình thành mối liên kết 6 nhà, các HTX để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm tìm thị trường xuất khẩu, mở rộng chính ngạch. Có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, thông qua tập trung đầu tư hạ tầng để doanh nghiệp giảm chi phí giá thành, nâng cạnh tranh sản phẩm. Đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, thu hút các chuyên gia giỏi trong thực hiện chính sách thúc đẩy, xúc tiến đầu tư; có cơ chế đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư trên nhiều mặt, không trông chờ sự hỗ trợ từ Trung ương. Không chỉ thế, Bình Thuận cần xây dựng hệ thống chính quyền phục vụ, đối thoại, đồng hành với nhân dân, nhà đầu tư, thực hiện hài hòa các mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân, tránh phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo. Bên cạnh, tăng cường xử lý những tham nhũng vặt. Phấn đấu đưa chỉ số hài lòng PCI đứng đầu trong nhóm 22, lọt vào top 10.
Phó Thủ tướng cũng nhắn gửi đến các nhà đầu tư là cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, thực hiện đúng tiến độ dự án, đề cao ý thức trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, sản xuất lao động...Với các vướng mắc tiêu cực, các doanh nghiệp kiến nghị trực tiếp đến các bộ, ngành chức năng, Chính phủ để giải quyết sớm.
Riêng với 7 “điểm nghẽn” mà Bình Thuận kiến nghị, Phó Thủ tướng cho rằng Chính phủ thống nhất tháo gỡ sớm những vấn đề có thể giải quyết nhanh được. Ví dụ, mở rộng QL 28, 28B, QL 55 là dựa vào vốn đầu tư trung hạn nên trước mắt sẽ nâng cấp; với việc xây dựng hệ thống truyền tải điện để tránh quá tải hiện nay, Chính phủ đã có chủ trương sẽ cho đầu tư từ nhiều nguồn, trong đó EVN làm và cả hình thức PPP. Còn những vướng mắc lớn khác như vướng titan của hàng loạt dự án, xây dựng hồ La Ngà 3... cần có thời gian để giải quyết.
Báo Bình Thuận