Sáng nay 31/8 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận về tình hình KTXH của tỉnh năm 2021, 8 tháng năm 2022 và định hướng thời gian tới; đồng thời trao đổi, giải quyết các kiến nghị của tỉnh.
Bình Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh với đầy đủ các loại hình giao thông thuận lợi; Tiềm năng lớn phát triển công nghiệp năng lượng, nhất là nhiệt điện và năng lượng tái tạo; có bờ biển dài 192 km, có tiềm năng phát triển du lịch và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển,
Toàn cảnh buổi làm việc
Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,44%; kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm đạt 552 triệu USD, bằng 75,8% kế hoạch, tăng 38,5% so với cùng kỳ; công nghiệp - xây dựng chiếm 37,12%; dịch vụ chiếm 38,22%; nông - lâm - thủy sản chiếm 27,65%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, các ngành dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển, xản xuất nông - lâm - thuỷ sản tiếp tục được quan tâm. Công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được tập trung chỉ đạo. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; khoa học và công nghệ có bước tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung triển khai thực hiện; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Bình Thuận là địa phương có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh với đầy đủ các loại hình giao thông thuận lợi
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh đã chỉ ra những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, khó khăn thách thức và những tồn tại hạn chế như: một số mặt của tỉnh phát triển chậm, chưa vững chắc. Tái cơ cấu kinh tế của tỉnh và trong nội bộ từng ngành, từng lĩnh vực chưa đạt yêu cầu. Liên kết vùng còn yếu. Kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ để tạo động lực phát triển. Tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm; việc thu hút các dự án đầu tư thứ cấp còn hạn chế
Tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hạ tầng giao thông như nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 28; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 55; làm mới tỉnh lộ ĐT.711; kiến nghị về việc thành lập Khu công nghệ cao và Khu kinh tế ven biển; Về phát triển điện gió ngoài khơi; đề nghị tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch điện VIII; và đầu tư hạ tầng phát triển năng lượng điện.
Trước đó, cũng trong sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới tham quan Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí NovaWorld Phan Thiết. Dự án được Novaland đầu tư trên quy mô 1.000 ha, định hướng trở thành một điểm đến đặc sắc tại Việt Nam. Dự án đã được triển khai từ 2019, đến nay, đã đưa vào vận hành giai đoạn 1 với nhiều cụm tiện ích đa dạng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh dành những địa điểm, vị trí đẹp nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo việc làm, sinh kế cho người dân; tạo điều kiện cho người dân tích cực tham gia vào dự án và được hưởng lợi từ dự án theo định hướng của tỉnh.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị tỉnh Bình Thuận và nhà đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng, tìm ra và khai thác, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh về thiên nhiên, văn hóa của khu vực Mũi Né, của Bình Thuận để phát triển du lịch so với các khu vực khác của Việt Nam và của thế giới. Thủ tướng lưu ý định hướng phát triển theo hướng xanh, bền vững, giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái, cân đối, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường./.
Theo VOV.vn