1. Chính phủ ban hành Nghị quyết 02
Ngày 7/1/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinhdoanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong đó có nhiều nội dung hỗ trợ thị trường bất động sản. Đây chính là văn bản “mẹ” để hàng loạt văn bản “con” về hỗ trợ thị trường bất động sản được sinh ra trong năm 2013 như giảm thuế, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, chia nhỏ và chuyển đổi công năng dự án...
2. Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng được triển khai
Ngày 15/5, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng chính thức ra đời với việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 11/2013/TT-NHNN hướng dẫn cho vay từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng và Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 07/2013/TT-BXD hướng dẫn việc xác định các đối tượng vay vốn hỗ trợ.
Theo đó, 5 ngân hàng được chỉ định là Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, MHB sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước để cho các đối tượng tại Thông tư 07 vay để thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; các doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội. Sau này, các đối tượng được mở rộng hơn, điều kiện vay cũng được nới hơn với Thông tư 18/2013/TT-BXD ngày 31/10/2013 của Bộ Xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Thông tư số 07.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, theo Bộ Xây dựng, gói hỗ trợ nhà ở mới chỉ giải ngân được 555,7 tỷ đồng, chưa được 2%. Trong đó, cho vay đối với 11 doanh nghiệp với số tiền 1.127 tỷ đồng, đã giải ngân cho 6 đơn vị 205 tỷ đồng; cam kết cho 1.450 khách hàng cá nhân vay 527 tỷ đồng và đã giải ngân cho 1.436 khách hàng, với dư nợ 350 tỷ đồng.
3. Luật Đất đai sửa đổi được thông qua
Sau 3 kỳ họp đưa ra thảo luận và chỉnh sửa, cuối cùng, Luật Đất đai sửa đổi cũng đã được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vừa qua. Luật mới có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2014. Điểm đáng chú ý và nóng nhất trong Luật Đất đai sửa đổi là nội dung thu hồi đất. Luật mới đã quy định rõ thẩm quyền cho phép thu hồi đất nêu tại Điều 62 (thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, mục đích quốc gia, cộng đồng) để tránh tùy tiện trong thu hồi đất.
Cụ thể, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất các dự án quan trọng quốc gia. Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất các dự án bao gồm: khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)…
HĐND cấp tỉnh cũng được quyết thu hồi đất dành cho các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung…
4. Làn sóng xin chuyển đổi nhà ở thang mại sang nhà ở xã hội
Ngày 8/3, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02/2013/TT-BXD hướng dẫn việc chuyển đổi từ dự án nhà thương mại sang nhà xã hội, cũng như chia nhỏ căn hộ theo Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Đây được xem là một giải pháp đạt được nhiều mục tiêu, vừa có mục tiêu kinh tế, vừa có mục tiêu an sinh xã hội, vừa có mục tiêu tăng trưởng kinh tế và giảm hàng tồn kho. Tuy nhiên, cho đến nay, cả nước mới chỉ có 3 dự án chính thức được chuyển đổi (Hà Nội có 2 và TP. HCM có 1) và vài dự án được chia nhỏ.
Trong khi đó, có đến hơn 57 dự án đã nộp hồ sơ xin chuyển đổi và 62 dự án xin điềuchỉnh cơ cấu căn hộ. Lý do chậm trễ là do các quy định pháp luật còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Hàng loạt chính sách hỗ trợ năm 2013 được kỳ vọng hỗ trợ thị trường hồi phục trong năm 2014
5. Nhà bình dân thắng thế
Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, hàng loạt dự án bất động sản hạng sang ế khách, các chủ đầu tư bất động sản đã chuyển đổi chiến lược sang xây nhà vừa túi tiền, dành cho người có nhu cầu ở thực.
Tiêu biểu cho xu hướng này là Công ty Tư nhân số 1 Lai Châu của “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản với việc đưa ra thị trường Hà Nội sản phẩm căn hộ có giá từ 10 - 15 triệu đồng/m2 tại Dự án Kim Văn - Kim Lũ, VP5 Linh Đàm, hay trước đó là Đại Thanh… đã gây ra những “cơn sốt” cục bộ tại các dự án.
Thậm chí, trong bối cảnh thị trường “đóng băng”, thì tại các dự án này, khách hàng vẫn phải chi tiền “chênh” để có được một căn hộ ưng ý.
Tại TP. HCM phải kể đến các dự án của Đất Xanh như Sunview Town, 4S Riverside Linh Đông…, Nam Long với sản phẩm Ehome, hay Nhà Thủ Đức nhắm tới dòng sản phẩm S-Home… Các dự án này đều có thanh khoản tốt vì đánh trúng nhu cầu của số đông khách hàng.
6. Sôi động cuộc tranh luận “cứu hay không cứu” bất động sản
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 02, trên thị trường đã nổ ra cuộc tranh luận nảy lửa về việc cứu haykhông cứu bất động sản. Châm ngòi cho cuộc tranh luận này là phát biểu: “Hãy để bất động sản rơi tự do” của ông Alan Phan. Đỉnh điểm của cuộc tranh luận này là lời thách đố do ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đưa ra về một cuộc “tranh luận trực tiếp và thẳng thắn” giữa ông Alan Phan và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản Hà Nội.
Tham gia cuộc tranh luận này sau đó có cả ông chủ Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức. Với những phát ngôn rất bộc trực của bầu Đức, cuộc tranh luận biến thành… tranh cãi kéo dài trên mặt báo, khiến giới truyền thông tốn không ít giấy mực về câu chuyện không có hồi kết này.
7. Năm “đại họa” của chủ dự án
Năm 2013 được xem là năm “đại họa” của nhiều chủ đầu tư, nhà đầu tư thứ cấp bất động sản với hàng loạt doanh nghiệp dính khiếu kiện, thậm chí nhiều người đứng đầu doanh nghiệp vướng vòng lao lý.
Ngày 1/7/2013, ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Vina Megastar đã bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Sau ông Nguyễn Hoàng Long, đến lượt ông Nguyễn Văn Tuẫn, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội, chủ đầu tư Dự án B5 Cầu Diễn cũng bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Mới đây, vụ lừa đảo lớn nhất thị trường bất động sản tại Dự án Thanh Hà - Cienco 5 đã được đưa ra xét xử, với 2 án chung thân cho Lê Hòa Bình, nguyên Chủ tịch CTCP Xây dựng và dịch vụ 1-5 và Nguyễn Thị Kim Thoa (SN 1965) nguyên Phó tổng giám đốc, kiêm Kế toán trưởng Công ty 1-5 với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo khác nhận mức án từ 5 - 17 năm tù giam.
Ngoài những vụ vướng vào vòng lao lý của lãnh đạo doanh nghiệp, năm 2013 cũng rất “nóng” với hàng loạt vụ khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.
Các tranh chấp liên quan đến cách đo diện tích căn hộ như tại Dự án Dương Nội của Nam Cường, Đại Thanh của Công ty tư nhân số 1 Lai Châu, Xuân Mai Park State của Vinaconex Xuân Mai…; phí quản lý chung cư như Keangnam; tranh chấp phải lôi nhau ra tòa như tại Dự án Splendora của Liên doanh An Khánh JVC; căng băng rôn, biểu ngữ phản đối về chậm bàn giao nhà như tại Dự án Chung cư Mỹ Phú (quận 7, TP. HCM) do công ty con của CTCP Đầu tư hạ tầng và đô thị Dầu khí (Petroland) làm chủ đầu tư, tại trụ sở công ty môi giới CenGroup (137 Nguyễn Ngọc Vũ , Hà Nội) liên quan đến Dự án Binh đoàn 12; khiếu kiện, khiếu nại kéo dài tại các dự án của AZ Land; khiếu kiện về thu hồi đất của người dân Phú Lương (Hà Đông), hay xã Tây Tựu (Từ Liêm)…
8. Khách hàng tham gia giám sát, điều hành dự án
Năm 2013, thị trường bất động sản vẫn khó khăn, nhiều dự án tiếp tục “đắp chiếu” do chủ đầu tư không còn khả năng triển khai dự án. Trong bối cảnh đó, tại Dự án Usilk City, một siêu tổ hợp của Sông Đà Thăng Long, chủ đầu tư và khách hàng đã đạt được thỏa thuận cho phép khách hàng quản lý dòng tiền, cùng điều hành triển khai dự án.
Giải pháp này đã gây tranh cãi trong một thời gian dài về tính khả thi. Song, nhờ dòng tiền do khách hàng quản lý, tiến độ Dự án Usilk City đã được cải thiện rõ nét.
Sau Dự án Usilk City, một dự án khác là AZ Vân Canh của CTCP Bất động sản AZ cũng đã đồng ý cho phép khách hàng tham gia quản lý dòng tiền. Hiện chủ đầu tư và khách hàng vẫn còn bất đồng, song việc đồng ý để khách hàng tham gia quản lý dòng tiền, Dự án AZ Vân Canh đã thoát khỏi thảm cảnh “đắp chiếu”.
9. Loạn số liệu tồn kho bất động sản
Con số tồn kho bất động sản trở thành tâm điểm và gây tranh cãi khá nhiều trong năm qua. Đây chính là chỉ số chính đo lường sức khỏe của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, con số tồn kho bất động sản lại được mỗi tổ chức đưa ra một con số khác nhau và chênh lệch khá lớn.
Tuy nhiên, theo số liệu vừa được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra, đến hết tháng 11/2013, tồn kho bất động sản còn 96.805 tỷ đồng, giảm hơn 24% so với cuối quý I. Trong đó, Hà Nội giảm trên 20%, còn TP. HCM giảm trên 30%.
10. Hàng trăm dự án chậm tiến độ lên “đoạn đầu đài”
2013 là năm đầu tiên Bộ Xây dựng tiến hành rà soát, phân loại được các dự án bất động sản trên cả nước. Theo đó, dự án tiếp tục triển khai là 3.154 dự án (78,6%); dự án cần phải điều chỉnh cơ cấu, quy hoạch là 455 dự án (chiếm 12%); dự án tạm dừng triển khai là 524 dự án (chiếm 13%). Các địa phương mạnh tay với các dự án chậm tiến độ như Bình Dương, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Hà Nội…
Theo Đầu Tư Chứng Khoán