TTO - Chính phủ đã ban hành nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, để kịp cung cấp đất đắp nền đường cho các dự án đường cao tốc Bắc - Nam.
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, một dự án thành phần của dự án đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2021, mỗi tháng cần 1 triệu m3 đất đắp nền đường nhưng chỉ đáp ứng được 70.000m3 - Ảnh: A.KHÁNH
Ngày 16-6, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Cụ thể, sau khi nghe tờ trình của bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, ý kiến của các thành viên Chính phủ, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất quyết nghị:
UBND tỉnh, thành phố nơi dự án đường cao tốc Bắc - Nam đi qua được thực hiện một số "cơ chế đặc thù" như được phê duyệt các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã có trong quy hoạch khoáng sản, đủ tiêu chuẩn và chỉ phục vụ thi công dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đối với khu vực khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác), chỉ cấp cho nhà đầu tư, nhà thầu thi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam khi có đề nghị và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
Nội dung giấy phép khai thác phải quy định trách nhiệm huy động toàn bộ công suất khai thác ghi trong giấy phép để cấp vật liệu cho dự án đường cao tốc.
Đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) đã cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác, được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) mà không phải lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường nhưng phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác.
Khi thực hiện "cơ chế đặc thù" nêu trên, UBND tỉnh, thành phố nơi dự án đường cao tốc đi qua có trách nhiệm chỉ cho phép nâng công suất các mỏ đang khai thác sau khi tổ chức, cá nhân khai thác đã ký văn bản cam kết cung cấp vật liệu cho nhà đầu tư, nhà thầu của dự án đường cao tốc Bắc - Nam; nghiêm cấm việc nâng giá, ép giá, nếu vi phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với khu vực khai thác mới, yêu cầu tổ chức, cá nhân sau khi đã khai thác đủ khối lượng cung cấp cho dự án đường cao tốc phải thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, trả lại mỏ và đất đai cho địa phương quản lý theo quy định…
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 652,85km. Đến nay đã có 7 dự án khởi công, 4 dự án sắp khởi công.
Dự án có nhu cầu về đất đắp nền đường khoảng 72 triệu m3, nhưng đến nay các mỏ đất mới cung cấp cho các dự án đang khởi công khoảng 33,6 triệu m3 (tương đương 62,8% nhu cầu). Còn khoảng 19,9 triệu m3 đất (tương đương 37,2% nhu cầu) chưa thể khai thác do nằm tại 99 mỏ đất chưa đủ điều kiện khai thác.
Trong khi đó, Luật khoáng sản quy định để hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, tổng thời gian từ khi trình cấp phép thăm dò tới khi cấp phép khai thác từ 9 tháng đến 15 tháng với nhiều quy trình, thủ tục. Việc này khiến dự án đường cao tốc Bắc - Nam kéo dài tiến độ, thậm chí phải dừng thi công ở một số nơi vì phải chờ thủ tục cấp phép khai thác đất đắp nền đường.
Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, nhiều địa phương đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Giao thông vận tải đề nghị rà soát quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản để cắt giảm thủ tục, áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác đất để kịp thời cung cấp đất đắp nền đường cho các dự án đường cao tốc Bắc - Nam.
Theo tuoitre.vn