Cá nhân môi giới, sàn giao dịch BĐS có cớ để lo lắng về không khí “nóng” bàn nghị luận xoay quanh vấn đề cấp chứng chỉ và yêu cầu trình độ đại học của người được cấp. Lo hơn nữa, là khả năng “cáng đáng” nhiệm vụ của Bộ Xây dựng tới đâu, nếu được Chính phủ giao phó.
Hai quý đầu 2014 đã trôi qua với le lói niềm vui, hy vọng của DN lẫn nhà quản lý về một thị trường BĐS dần lấy lại sinh khí. Then chốt của mọi vấn đề vẫn là gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ cùng hàng loạt chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho giới tạo lập nhà đất (thuế đất, tiền sử dụng đất). Người cần nhà cũng vui “lây” nhờ chính sách tác động lên cơ cấu sản phẩm.
Phổ cập đại học
Trong phiên thảo luận ngày 15/7 mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung phân tích thảo luận về dự án Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi.
Kết thúc buổi làm việc, hai vấn đề đã cơ bản sáng tỏ: Quy định hành nghề môi giớibất động sản cần được quản lý chặt chẽ hơn. Đồng thời, để được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, cá nhân cần có trình độ tối thiểu đại học (ý kiến đề xuất của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại buổi thảo luận).
Từng gây xôn xao dư luận về đề xuất “bỏ giao dịch yêu cầu phải qua sàn”, hay cấm dùng chung cư làm văn phòng, kinh doanh cho thuê, Bộ Xây dựng - cơ quan đặc trách có trách nhiệm cao nhất trước Chính phủ - lần này giữ quan điểm về vấn đề bằng cấp áp dụng cho môi giới, kinh doanh dịch vụ BĐS.
Người lãnh đạo cao nhất Bộ Xây dựng khẳng định: Cần phải cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Khi đã cấp chứng chỉ hành nghề, họ sẽ thay Nhà nước làm để đảm bảo khách quan, công bằng, cũng như đảm bảo lợi ích của khách hàng và người kinh doanh BĐS. Đồng thời việc cấp chứng chỉ cũng góp phần loại bỏ những ai không đủ khả năng hành nghề.
Thậm chí, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng còn dẫn ra luận điểm khá thú vị: “ở nước ta, người hành nghề môi giới phải có trình độ đại học, chứ không phải chỉ là trung cấp. Bởi hiện nay chúng ta đang "phổ cập" đại học, thậm chí trên đại học cũng rất đông” (!)
Đại ý, theo đại diện Bộ Xây dựng, muốn phát huy được hiệu quả thì người môi giới phải có trình độ, có phẩm chất đạo đức nghề. Trình độ của người môi giới, nếu đề xuất liên quan được thông qua, sẽ là tấm bằng đại học.
Tuy vậy, có ý kiến cho rằng liệu một kỹ sư tốt nghiệp ngành hóa dầu, Đại học Bách Khoa sẽ có năng lực, chuyên môn nghiệp vụ môi giới địa ốc tốt hơn một cử nhân khoa Đầu tư trường Đại học Kinh tế quốc dân?
Ngành xây dựng giữ quan điểm về vấn đề bằng cấp áp dụng cho môi giới, kinh doanh dịch vụ BĐS
Tạm hiểu, cứ cho là phổ cập đại học, nhưng đại học gì (chuyên ngành, khối ngành) mới được cấp chứng chỉ và hành nghề. Đây cũng là vấn đề được ông Phan Trung Lý, Chủ tịch UB Pháp luật nêu ra trong phiên thảo luận nhưng ở cấp độ đòi hỏi thấp hơn (trung cấp) và chưa ngã ngũ.
Chưa xét tới những hướng dẫn thi hành liên quan sau Dự thảo Luật lần này, chỉ duy với quy định “xóa mù đại học” cho dân môi giới, thì tương lai đang rộng mở với hàng vạn cử nhân, kỹ sư đang chen chân ở các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM tìm kế sinh nhai.
Đơn giản, với tấm bằng đại học, đăng ký đào tạo và sát hạch của cơ quan hữu trách (Bộ, Hiệp hội BĐS hoặc các Sở) là cá nhân đó đã có thể tự bươn chải dưới cái mác môi giới. Môi giới sẽ tiếp tục guồng quay cạnh tranh ngày càng gay gắt với nhiều chiêu trò hơn. An ủi được một điều, “đầu ra” cho hệ thống giáo dục đại học phần nào được giảm tải nhờ quy định này (!).
Lại là Bộ Xây dựng?
Theo ông Lý, nên giao việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới cho Hiệp hội BĐS hoặc các Sở Xây dựng địa phương sẽ là phù hợp hơn Bộ Xây dựng (có vai trò quản lý, áp dụng các chế tài liên quan).
Tuy vậy, chủ trì buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết giữa Hiệp hội hay Bộ Xây dựng thì cần phải nghiên cứu thêm, song bước đầu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất nên giao nhiệm vụ này cho Bộ Xây dựng cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.
Như vậy, trước mắt, trách nhiệm của Bộ Xây dựng sẽ lớn gấp bội thời gian khi còn hiệu lực Luật Kinh doanh BĐS 2006. Thay vì Sở Xây dựng là đơn vị chuyên trách tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới (thẻ hành nghề) cho cá nhân, đơn vị kinh doanh BĐS, Bộ Xây dựng “ôm” cả phần việc này, trong khi vẫn phải cáng đáng rất nhiều nhiệm vụ mang tầm cỡ quốc gia khác như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Chương trình xây dựng nhà ở vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2; nhà ở vượt tránh lũ cho 40.000 hộ nghèo ở 14 tỉnh duyên hải miền Trung…
Theo Bộ trưởng Dũng, cần phải cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Việc cấp chứng chỉ cũng góp phần loại bỏ những ai không đủ khả năng hành nghề…Người làm nghề môi giới phải là người có trình độ, có phẩm chất đạo đức trong kinh doanh, nếu làm sai thì họ phải chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, đặt trường hợp cơ quan quản lý “chưa chuẩn” trong công tác rà soát, sát hạch và cấp chứng chỉ môi giới, dẫn tới sai phạm của cá nhân đó, thì trách nhiệm truy ngược sẽ tới đâu? Đơn giản, việc sử dụng bằng tốt nghiệp đại học giả, “chạy” bằng không còn xa lạ thời điểm hiện tại khi soi chiếu vào đời sống DN lẫn giới quản lý.
Còn nhớ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trong một phiên họp Hội đồng Quốc gia về giáo dục đã thẳng thắn: Thực tế những người có bằng giả, hay bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể "chui" vào hệ thống công chức nhà nước, chứ không thể vào được các DN tư nhân.
Để chắc chắn hạn chế những hệ lụy về sau, nên chăng có một văn bản liên tịch giữa Bộ Xây dựng, Bộ GĐ&ĐT, Bộ Tư pháp liên quan tới việc xác nhận tính “thật - giả” của tấm bằng tốt nghiệp hệ đại học. Bởi lẽ, việc sở hữu một tấm bằng đại học chỉ đòi hỏi khoản tài chính tiền triệu là “có ngay” nếu bỏ công tìm kiếm nguồn cung cấp trên các mạng cộng đồng.
Vậy nên, giới hành nghề trung gian vẫn đang bình chân như vại, vì lộ trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ Xây dựng có thể sẽ phải kéo dài hàng năm mới thiết lập hoàn chỉnh hàng rào pháp lý cần thiết.
Theo cafeland.vn