Hậu Covid-19, để an toàn dòng tiền và đảm bảo lợi nhuận, khách hàng ưu tiên chọn những sản phẩm BĐS tại các thị trường tiềm năng, được đầu tư mạnh về hạ tầng, đặc biệt là ở ven biển.
Sức hút đất biển
Ngược với tình hình ảm đạm của thị trường cả nước, năm 2019, bất động sản Bình Thuận, đặc biệt là thị trường Phan Thiết - Mũi Né đã diễn ra sôi động. Tại đây, nhiều dự án lớn đổ bộ với số lượng giao dịch các sản phẩm bất động sản đạt mức cao đã tạo nên một bức tranh chung của thị trường hết sức nhộn nhịp.
Theo đánh giá của các chuyên gia, lý do khiến bất động sản Phan Thiết - Mũi Né có thể tạo nên sức hút lớn đối với khách hàng và nhà đầu tư trước hết do đây là thị trường mới và đang trong quá trình khai phá tiềm năng. Chính vì thế, giá đất biển ở Phan Thiết - Mũi Né vẫn còn khá rẻ so với mặt bằng chung đất biển ở Nha Trang, Cam Ranh, Đà Nẵng… Đồng thời, nhờ sự phát triển mạnh của du lịch nghỉ dưỡng mà biên độ tăng giá của Phan Thiết - Mũi Né cũng nhanh hơn, tạo nhiều cơ hội cho nhà đầu tư có thể tối ưu hóa lợi nhuận trong ngắn hạn và trung hạn, đặc biệt là khu vực dọc các tuyến ven biển như Lạc Long Quân, Âu Cơ, Võ Nguyên Giáp, Huỳnh Thúc Kháng…
Tại đường Võ Nguyên Giáp, giá đất mặt tiền năm 2019 ở mức 20 triệu đồng/m2, thì từ cuối tháng 4/2020 đến nay (thời điểm hết giãn cách xã hội và cơ bản khống chế Covid-19) nhích lên 22 triệu đồng/m2; đường Huỳnh Thúc Kháng có giá 13-14 triệu đồng/m2, nay tăng lên 15 triệu đồng/m2; khu vực gần mũi Kê Gà, giá đất khu vực mặt biển trước thời điểm Covid-19 bùng phát rơi vào khoảng 20 triệu đồng/m2, nay tăng lên 22 triệu đồng/m2, khu đường ven biển Tiến Thành có nơi giá đã tăng lên 45 - 50 triệu đồng/m2…
Sân golf Nova PGA Ocean (thuộc Dự án NovaWorld Phan Thiết) đã hoàn thiện phần tạo hình và đang trồng cỏ, dự kiến đưa vào hoạt động tháng 12/2020.
Giới quan sát nhận định, giá đất ven biển Phan Thiết dự kiến còn tăng trong thời gian tới, khi hiện nay bắt đầu xuất hiện nhiều nhà đầu tư từ khắp nơi đến đây săn tìm đất nền ven biển, cũng như hỏi mua sản phẩm bất động sản tại các dự án nghỉ dưỡng đang được xây dựng.
Khai phá tiềm năng
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đối với thị trường miền Trung hiện nay, những địa phương nào có sự đầu tư đồng bộ của Nhà nước và doanh nghiệp với hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh, pháp luật thực thi nghiêm minh thì giá bất động sản ở đó được kiểm soát tốt, không bị đẩy lên quá cao, thị trường có tiềm năng phát triển.
“Khu vực nào kinh tế phát triển tốt, kết cấu hạ tầng đồng bộ và thu hút đầu tư mạnh mẽ từ bên ngoài thì các sản phẩm bất động sản xung quanh đó chắc chắn sẽ tăng trưởng tốt”, ông Đính nói.
Nhận định của ông Đính phần nào giải thích cho sự trở lại của bất động sản Phan Thiết sau thời điểm giãn cách xã hội.
Được biết, nhằm thu hút các “sếu đầu đàn”, tỉnh Bình Thuận đang tận dụng các nguồn lực ưu tiên đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, trong đó, sân bay Phan Thiết đang được nâng cấp quy mô từ cấp 4C lên cấp 4E, với công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm. Hàng loạt dự án giao thông lớn kết nối Bình Thuận với khu vực cũng được đầu tư như cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Phan Thiết - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Cam Lâm.
Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận đang chuẩn bị đầu tư các tuyến đường nối với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây xuống đường ĐT.719B ven biển. Theo đó, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sau khi dẫn xuống Quốc lộ 1 sẽ nối với đường Hàm Kiệm - Tiến Thành và dẫn xuống ven biển. Con đường này dài khoảng 10,2 km với nền đường rộng 37 m, kết nối với đường ĐT.719B tại Tiến Thành (Phan Thiết) thì chấm dứt.
Riêng đường ĐT.719B dài hơn 25 km chạy song hành với đường ĐT.719 hiện hữu ven biển. Hai con đường này sẽ giao nhau ở khu vực Hòn Lan (Tân Thành, Hàm Thuận Nam) gần mũi Kê Gà. Lúc này hai con lộ sẽ tiếp tục song hành và đường mới ĐT.719B sẽ chạy vòng xuống ven biển rồi cả hai con đường cùng nối với thị xã La Gi và Quốc lộ 55 đi Vũng Tàu.
Tổng vốn đầu tư của tất cả các tuyến là hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó đường Hàm Kiệm - Tiến Thành hơn 460 tỷ đồng; làm mới đường ĐT.719B gần 1.000 tỷ đồng; nâng cấp, mở rộng 32 km đường ĐT.719 hiện hữu khoảng 600 tỷ đồng. Hiện dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan tiến hành thẩm định, phân bổ vốn, ngay khi đủ điều kiện sẽ được triển khai.
Hạ tầng giao thông đồng bộ cùng tiềm năng du lịch biển mang tầm quốc tế tại Phan Thiết, Bình Thuận đã thu hút nhiều doanh nghiệp bất động sản về phát triển các dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn. Nổi bật là dự án NovaWorld Phan Thiet nằm trên trục đường ĐT.719B và đường ĐT.719 hiện hữu ven biển. Cả hai đường này đều nối ra cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, kết nối thuận tiện với TP.HCM cũng như các tỉnh, thành phố khác. Ngoài ra, nằm trong dự án còn có tuyến đường trung tâm đường Hòn Giồ. Tuyến đường này kết nối đường ĐT.719B với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và hiện đã hoàn thành 50% tiến độ. Đây là những yếu tố giúp giá trị bất động sản Bình Thuận tiếp tục nâng tầm trong thời gian tới.
Với quy mô 1.000 ha, Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí NovaWorld Phan Thiet quy tụ hàng trăm tiện ích đạt chuẩn quốc tế. Công viên bãi biển 16 ha đang trong giai đoạn thi công, dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành giai đoạn I vào tháng 12/2020. Cụm công viên chủ đề 25 ha dự kiến được khởi công vào tháng 8/2020. Khách sạn H4-Movenpick dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2021.
Sân golf Nova PGA Ocean đã hoàn thiện phần tạo hình và đang trồng cỏ, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động từ tháng 12/2020. Sân golf Nova PGA Garden đã hoàn thiện trên 30% và dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 6/2021.
Bên cạnh các tiện ích nghỉ dưỡng, giải trí mang tiêu chuẩn quốc tế, NovaWorld Phan Thiet còn phát triển đa dạng second home. Khu biệt thự mẫu được thiết kế theo phong cách kiến trúc Floria và đã hoàn thiện 90%. Dự kiến nhà mẫu khai trương và đón khách tham quan vào tháng 9/2020.