Dòng vốn trên thị trường đang đổ mạnh vào các dự án đã đưa bất động sản trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất sau nhiều năm để mất vị trí này.
Bất động sản có vị trí thuận tiện luôn thu hút khách hàng - Ảnh: D.Đ.M
Gia tăng giá trị nhờ hạ tầng
Sau nhiều ngày tìm hiểu, vợ chồng anh Thanh (ngụ tại quận Tân Bình, TP.HCM) quyết định đặt cọc căn hộ của một dự án khu phức hợp chung cư - trung tâm thương mại tại quận 2 vừa mở bán sau khi đã hoàn thành xong phần cất nóc. Theo anh Thanh, giờ chỉ mất 10 phút chạy xe máy, qua hầm Thủ Thiêm hoặc qua cầu Thủ Thiêm là đến được trung tâm quận 1, nơi anh làm việc. "Giao thông thuận tiện là yếu tố quan trọng nhất giúp tôi quyết định đầu tư vào căn hộ này" - anh Thanh nói.
Cũng chuyển hướng "để dành", chị Hà (quận 4) cũng đã rút số tiền tiết kiệm đặt cọc mua căn hộ cao cấp tại quận 4 với dự tính sẽ cho thuê làm văn phòng hoặc cho người nước ngoài thuê để ở. "Mấy năm trước lãi suất cao nên mình cứ bỏ tiền trong ngân hàng lấy lời. Nhưng giờ lãi suất hạ quá, gửi cũng giống như nhờ nhà băng giữ hộ trong khi mua căn hộ thì lợi kép. Vừa có tiền cho thuê, sau này kinh tế hồi phục, bán đi cũng có lời. Dự án gần trung tâm nên chắc chắn cho thuê được giá cao" - chị Hà tính toán.
Một chuyên gia kinh tế phân tích, sự trở lại ngôi vị số 1 của bất động sản (BĐS) là có 2 lý do. Thứ nhất, xu hướng đón đầu sự phục hồi của thị trường này sau khi Chính phủ thể hiện quyết tâm "phá băng" bằng nhiều giải pháp. Nhiều nhà đầu tư cũng tin vào chu kỳ cứ 7 - 8 năm BĐS lại có một đợt tăng giá. Tính từ năm 2008, năm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và BĐS trong nước rơi vào "giấc ngủ đông" đến nay cũng đã 6 năm. Theo đúng "chu kỳ" thì 1 - 2 năm nữa sẽ tới kỳ BĐS sốt giá. Vì vậy, mua thời điểm này là hợp lý để chờ thời.
Thứ hai là các kênh đầu tư khác đang thiếu hấp dẫn. Vàng vừa rủi ro giá, vừa rủi ro chính sách; lãi suất tiết kiệm giảm mạnh; chứng khoán bấp bênh và đang trong xu hướng điều chỉnh mạnh. Trong bối cảnh này, BĐS trở thành lựa chọn số 1 trong các kênh đầu tư đối với nhiều người.
Từ một góc nhìn khác, tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng trong vòng 5 năm qua, hàng loạt dự án giao thông kết nối các khu vực phụ cận với trung tâm ở Hà Nội, TP.HCM được hoàn thành tạo nên một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Mà đối với việc phát triển thị trường BĐS thì hạ tầng và phân khu chức năng có vai trò rất quan trọng. Nó tạo ra các khu đô thị hoàn chỉnh, hiện đại, vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư, vừa đảm bảo môi trường sinh sống cho những người mua để ở, vừa có thể khai thác kinh doanh. Đó là lý do, thanh khoản trên thị trường BĐS tăng mạnh thời gian vừa qua.
Tận dụng vốn ngân hàng
Hầu hết các chủ đầu tư BĐS hiện đều hỗ trợ khách hàng vay vốn với lãi suất ưu đãi, thậm chí không lãi suất trong thời gian đầu. Chuyên gia Đinh Thế Hiển nhận xét các nhà đầu tư có thể sử dụng thêm đòn bẩy tài chính từ nguồn vốn vay ngân hàng để hình thành nên tài sản của mình và tài sản đó cũng sẽ có khả năng tăng giá trong tương lai. Đây là lợi thế sinh lời cực lớn của kênh đầu tư này so với các kênh khác.
Còn theo tiến sĩ Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) - tâm lý nhiều cá nhân vẫn thích đầu tư vào BĐS. Hiện thị trường BĐS chưa thật sự hồi phục nên phân khúc đất nền chưa phù hợp để đầu tư. Vì vậy, có thể lựa chọn phân khúc căn hộ đã hình thành hoặc nhà đất ở khu dân cư hiện hữu, phù hợp để cho thuê trong thời gian chờ thị trường khởi sắc. Hơn nữa, lãi vay của ngân hàng đang giảm cũng là cơ hội cho nhiều người để vay mua BĐS. “Nếu đầu tư vào BĐS ở thời điểm hiện tại thì phải lựa chọn và biến thành tài sản động để sinh lời. Với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh thì việc mua những khu đất rộng lớn hơn cũng nên tính toán đến việc xây dựng, cho thuê với những mục đích khác nhau để có mức sinh lời hằng tháng. Khi đó, BĐS sẽ được tính là sản phẩm đầu tư dài hạn để chờ giá lên”, tiến sĩ Lê Đạt Chí nói.
Tiến sĩ Lê Đạt Chí cũng cho rằng các ngân hàng nên xem xét giảm lãi suất cho vay tiêu dùng, trong đó có cho vay mua BĐS đối với khách hàng cá nhân xuống thấp hơn so với hiện nay. Mức lãi suất cho vay mua BĐS chỉ nên khoảng 9 - 10%/năm và phải đảm bảo giữ nguyên mức lãi suất này trong thời gian 2 - 3 năm trong tổng thời gian vay. Khi đó chắc chắn sẽ kích thích người dân vay tiền để mua BĐS và góp phần kích thích thị trường BĐS ấm trở lại.
Theo Thanh niên