Trong khi đó, nút giao An Phú (Q.2), điểm đầu của cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cũng chưa được khởi công.
Nhiều thế hệ lãnh đạo, cầu chưa nối nhịp
Nhiều năm qua, người dân hai địa phương TP.HCM, Đồng Nai đều muốn sớm có một cây cầu thay thế phà Cát Lái. Có cầu, đường đi từ Q.2 (TP.HCM) - Nhơn Trạch (Đồng Nai) được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TP.HCM - Bà Rịa-Vũng Tàu - Đồng Nai.
Bên cạnh đó, khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác dự kiến năm 2025, cầu Cát Lái kết hợp tỉnh lộ 25C hình thành tuyến kết nối TP.HCM - sân bay Long Thành, chia sẻ lượng xe với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vốn đang quá tải.
Ông Lương Văn Giàu - nguyên phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai - nhớ lại: "Năm 2003, tôi còn làm thì được giao phụ trách mảng cầu, đường. Khi đó chủ trương làm cầu Cát Lát đã có, chỉ còn lập dự án đầu tư, nhưng sau đó hai bên TP.HCM, Đồng Nai có ý kiến khác nhau nên dự án làm cầu vẫn còn ì ạch".
Theo ông Giàu, đến thời điểm năm 2005 cũng đã lập dự án làm cầu và đường với chiều dài gần 18km, tổng đầu tư cho cả hai giai đoạn gần 5.800 tỉ đồng. Trong đó riêng cầu dài gần 2,3km, còn phần đường bên phía TP.HCM hơn 10km. Nhiều lãnh đạo trung ương về Đồng Nai cũng có ý kiến đồng tình giao Đồng Nai làm cầu nối quận 2, quận 9 để kết nối hạ tầng khu vực kinh tế TP.HCM và huyện Nhơn Trạch.
"Vậy mà đã gần 20 năm trôi qua, nhiều thế hệ lãnh đạo đã nghỉ hưu nhưng cầu Cát Lái vẫn chưa làm. Nếu cây cầu này được làm sớm vừa thuận lợi đi lại cho người dân, vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội cho cả khu vực huyện Nhơn Trạch từ rất lâu..." - ông Giàu tâm sự.
Cầu Cát Lái khi xây dựng xong sẽ thay thế phà Cát Lái - Ảnh: TTO
Thực ra trong tình cảnh thiếu vốn đầu tư công, TP.HCM thời gian qua đã kêu gọi các nhà đầu tư sớm xây cây cầu này. Và lời kêu gọi này từng được một số nhà đầu tư và liên danh đề xuất TP thực hiện dự án theo hình thức BOT kết hợp BT, nhưng cuối cùng cũng không đâu vào đâu. Tới tháng 8-2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đồng Nai.
Đã gần 20 năm trôi qua với nhiều thế hệ lãnh đạo đã nghỉ hưu nhưng cầu Cát Lái vẫn chưa làm. Nếu cây cầu này được làm sớm vừa thuận lợi đi lại cho người dân, vừa thúc đẩy kinh tế - xã hội cho cả khu vực huyện Nhơn Trạch từ rất lâu...
Ông Lương Văn Giàu
Nút giao An Phú chôn chân ở VEC
Cách phà vài kilômet là nút giao An Phú (Q.2) có lượng xe qua lại rất lớn, bởi đây là nơi giao thoa của ba hướng giao thông quan trọng: cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kết nối về miền Đông, miền Trung và miền Bắc; đường Mai Chí Thọ kết nối về miền Tây và đường ra vào các cảng biển hàng đầu của cả nước như: Cát Lái, Sài Gòn, Bến Nghé, Tân Thuận... Tại nút giao này, theo kế hoạch giai đoạn 1 sẽ xây cầu vượt và hầm chui với tổng vốn đầu tư 1.047 tỉ đồng từ vốn vay dư của Chính phủ Nhật Bản đã đầu tư xây dựng dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Tuy nhiên, nhiều năm qua dự án "đứng im" tại Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) với vai trò chủ đầu tư.
Chờ mãi chưa thấy triển khai, TP.HCM đã nhiều lần gửi văn bản hỏi về tiến độ và khả năng sắp xếp làm dự án. Tới năm 2019, trả lời UBND TP về khả năng thực hiện, Bộ GTVT cho biết dự án hiện chưa thực hiện thủ tục đầu tư do đang trong quá trình tái cơ cấu tài chính các dự án do VEC làm chủ đầu tư. Còn hiệp định vay vốn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ kết thúc vào tháng 7-2021.
Do đó, việc sử dụng nguồn vốn nêu trên làm nút giao là không khả thi trong điều kiện VEC đang tái cơ cấu. Để đảm bảo nhu cầu sớm triển khai dự án và có thể huy động được nguồn vốn, Bộ GTVT ủng hộ TP.HCM triển khai thực hiện dự án.
Trả lời Tuổi Trẻ, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho hay - dự án nút giao An Phú chưa triển khai do thời gian qua VEC gặp vướng mắc về nguồn vốn ODA. Do đó, dự án này đã được chuyển lại cho TP.HCM. "Hiện sở cũng đang lập đề xuất chủ trương đầu tư nhằm giải bài toán ùn tắc cho điểm đầu cao tốc. Dự kiến nút giao này sẽ ưu tiên đầu tư từ nay đến năm 2025", đại diện Sở GTVT TP cho hay.
Là một người dân sống ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, hằng ngày đi xe đưa rước xuống nhà máy ở Đồng Nai làm việc, chị Nguyễn Thị Minh Châu cho biết một trong những điểm tốn thời gian đi lại nhất trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là điểm nghẽn ở nút giao An Phú (Q.2). Có hôm cao tốc thông thoáng, nhưng về đến nút giao An Phú gặp cảnh ùn ứ khoảng nửa tiếng. "Nhiều doanh nghiệp ở TP mở nhà máy ở Đồng Nai để tận dụng nguồn nhân công, mặt bằng có chi phí phù hợp. Tuy nhiên, khi nhân viên công ty đi xe đưa rước gặp cảnh ùn tắc, tốn quá nhiều thời gian đi lại khiến họ rất nản", chị Châu nói.
Cầu Cát Lái có 6 làn xe
Về cầu Cát Lát, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết hai Sở GTVT (TP.HCM và Đồng Nai) đã ngồi lại bàn phương án xây cầu thay phà. Hai bên đã đồng ý theo phương án quy mô cầu có 6 làn xe. Điểm đầu cầu kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch), vượt sông Đồng Nai và cầu kết nối vào đường Vành đai 2 - TP.HCM (cách đường dẫn cầu Phú Mỹ khoảng 1km và cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 2,3km).
Tuy nhiên, dự án cầu có liên quan đến quy hoạch và các dự án ở nơi dự kiến thi công nên tỉnh Đồng Nai đang yêu cầu đơn vị tư vấn rà soát các phương án kỹ thuật, khả năng kết nối cho phù hợp. Đồng thời phải lấy ý kiến Cục Hàng hải Việt Nam về độ tĩnh không cầu để đảm bảo thông luồng hàng hải...
Ông Từ Nam Thành - giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai - cho biết: "Dự án xây dựng cầu qua 2 địa bàn với mục tiêu kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hiện sở được tỉnh giao làm chủ đầu tư nên đang làm các thủ tục đầu tư theo quy định. Vì vậy, tỉnh cũng đang phối hợp với TP.HCM để xác định phạm vi, quy mô, khối lượng giải phóng mặt bằng... nhằm có phương án tài chính làm cầu Cát Lái".
Sớm đầu tư tuyến đường sắt nhẹ
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt tại quyết định 568, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - cảng hàng không quốc tế Long Thành có chiều dài khoảng 37km, điểm đầu là ga Thủ Thiêm (Q.2) và điểm cuối là ga Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đây là dự án mang tính chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông kết nối giữa TP.HCM và sân bay Long Thành, phù hợp với xu thế phát triển cơ sở hạ tầng của TP theo hướng văn minh, hiện đại. Do đó, mới đây UBND TP đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành trình Chính phủ chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư dự án giai đoạn 2021 - 2026 để kết nối đồng bộ với sân bay quốc tế Long Thành.
Cao tốc, phà Cát Lái quá tải
Theo thống kê của Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong TP, thời gian qua lượng khách qua phà Cát Lái (nối TP.HCM và Đồng Nai) liên tục tăng, cao điểm lên tới 100.000 lượt/ngày, còn ngày thường khoảng 50.000 lượt. Tại bến phà Cát Lái có 7 phà, trong đó có 2 phà 200 tấn và 5 phà 100 tấn, hằng ngày sử dụng khoảng 6 phà (1 phà luân phiên sửa chữa). Dù các phà hoạt động hết công suất, nhưng do lượng khách qua phà liên tục tăng dẫn tới hai đầu phà thường xuyên ùn ứ trong các ngày lễ tết.
Trong khi đó, từ năm 2015 cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ghi nhận chỉ phục vụ 10 triệu lượt xe thì nay đã tăng lên 16,5 triệu lượt. Mật độ xe trên tuyến phân bố không đều, tập trung chủ yếu trên các đoạn hướng về TP.HCM, thường xuyên xảy ra ùn ứ cục bộ tại 20km đầu tuyến.
Theo tuoitre.vn