Cầu Nhơn Trạch nằm trên trục Vành đai 3, bắc qua Đồng Nai nối Tp.HCM dự kiến khởi công đầu năm 2021. Theo thiết kế, cầu dài hơn 2 km, rộng 19,5 m cho 6 làn xe, tổng vốn hơn 2.200 tỷ đồng. Cầu có tĩnh không cao 30,5 m, thiết kế khoang thông thuyền 110 m đáp ứng tàu tải trọng 5.000 tấn chạy phía dưới.
Cầu Nhơn Trạch kết nối quận 9 (Tp.HCM) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Khi cầu được thông xe năm 2024, sẽ giúp rút ngắn hành trình từ Đồng Nai đến Tp.HCM và Bình Dương. Công trình tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, giảm áp lực giao thông ở cầu Đồng Nai và các đường nội đô Tp.HCM. Ngoài ra, dự án cũng góp phần hoàn chỉnh hệ thống Vành đai 3 theo quy hoạch chi tiết được Thủ tướng phê duyệt nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ.
Nằm phía Bắc Đồng Nai, cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai nối huyện Vĩnh Cửu với thị xã Tân Uyên có kinh phí hơn 500 tỷ đồng.
Tổng dự án dài khoảng 2,8 km, gồm đường dẫn và phần cầu chính dài hơn 390 m; mặt cầu rộng 17,5 m, 4 làn xe. Nguồn vốn để thực hiện dự án được phân chia theo tỷ lệ mỗi địa phương đóng góp 50% đối với phần cầu chính và các tỉnh tự đầu tư xây dựng phần đường dẫn trên địa bàn.
Để giúp cầu kết nối giao thông thuận lợi, sau khi xây dựng xong cầu Bạch Đằng 2, Đồng Nai đã lên phương án nâng cấp mở rộng hương lộ 7, hương lộ 15, tỉnh lộ 768 và xây mới tỉnh lộ 768B, đường Vành đai Biên Hòa.
Dự án được đưa vào sử dụng sẽ giúp kết nối giao thương các khu công nghiệp phía thị xã Tân Uyên, Bắc Tân Uyên (Bình Dương) với TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom (Đồng Nai).
Cùng với đó, để kết nối với đường liên cảng chạy dọc sông Thị Vải và Đồng Nai, UBND Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng thống nhất xây dựng cầu Phước An với tổng kinh phí gần 5.000 tỷ đồng. Cầu dài 3,4 km, có quy mô 6 làn xe, cách cảng Phước An 150 m về phía thượng nguồn.
Khi hoàn thành, dự án nối thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), tàu 3.000 tấn có thể chạy phía dưới. Đây là dự án thành phần thuộc dự án đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, dài hơn 21,3 km từ cảng Cái Mép Hạ (thị xã Phú Mỹ) tới cảng Phước An (đoạn qua Đồng Nai dài 1,4 km).
Cầu hoàn thành sẽ giúp kết nối thuận lợi đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với hệ thống đường cao tốc trong khu vực (cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây). Nhóm cảng biển số 5 cũng dễ dàng thông tuyến với khu vực miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ, đồng thời giải tỏa ùn tắc giao thông, giảm tải cho quốc lộ 51.
Về phía hạ nguồn sông Đồng Nai, cầu Thống Nhất trong dự án trục đường trung tâm vừa được Hội đồng nhân dân Đồng Nai thông qua chủ trương xây dựng nối với Cù lao Phố. Dự án có kinh phí hơn 3.000 tỷ đồng.
Theo phương án thiết kế, dự kiến trục đường trung tâm Biên Hòa được chia thành hai nhánh tương ứng kết nối với hai cầu Bửu Hòa và An Hảo. Nhánh một dài gần 3,6 km, điểm đầu giao với đường Võ Thị Sáu, điểm cuối giao với đường Đặng Văn Trơn tại nút giao cầu An Hảo, kết nối quốc lộ 1 và quốc lộ 51. Cầu Thống Nhất đi qua tuyến này dài gần 530 m, rộng 31 m.
Nhánh 2 dài gần 1,8 km, điểm đầu tại vòng xoay giao với nhánh một ở phường Hiệp Hòa, điểm cuối nút giao đường đầu cầu Bửu Hòa, kết nối quốc lộ 1K. Nhánh này được TP Biên Hòa đề xuất có chiều rộng mặt đường là 47 m. Dự án dự kiến xây dựng cuối năm 2020 đến 2024.
Cầu Cát Lái được xem "huyết mạch" kết nối Đồng Nai với Tp.HCM, được người dân chờ đợi 20 năm qua. Dự kiến khởi công trong năm 2021, cầu có phần chính dài 650 m, rộng 37,7 m gồm 6 làn xe cơ giới và 3 làn xe thô sơ, lề bộ hành mỗi bên 1,5 m; kết cấu bằng dây văng hai trục tháp.
Với kinh phí 7.200 tỷ đồng, Đồng Nai đã kiến nghị Chính phủ cho tách dự án thành 3 phần. Phần đường dẫn phía quận 2 dài 623 m sẽ do Tp.HCM thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Phần đường dẫn tương tự phía Nhơn Trạch, và phần cầu chính sẽ do Đồng Nai phụ trách.
Sau nhiều lần họp giữa hai địa phương, điểm đầu của cầu dự kiến ở cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Phước Khánh (Nhơn Trạch), vượt sông Đồng Nai và kết nối vào đường Vành đai 2 - TP HCM (cách đường dẫn cầu Phú Mỹ khoảng một km và cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 2,3 km).
Ngoài giảm tải cho phà Cát Lái, dự án còn được đánh giá quan trọng trong hệ thống giao thông giữa hai địa phương khi sân bay Long Thành đưa vào hoạt động năm 2025. Lúc đó, cầu Cát Lái kết hợp tỉnh lộ 25C hình thành tuyến kết nối Tp.HCM - sân bay Long Thành, chia sẻ lượng xe với cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây vốn đang quá tải.