Ngày 27-12, phóng viên Tuổi Trẻ đi xuyên suốt gần 100km và chứng kiến công trường dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết nối hai tỉnh Đồng Nai với Bình Thuận đang tất bật người và máy móc để kịp mục tiêu thông xe kỹ thuật vào cuối năm nay.
Đoạn nút giao giữa hai dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo ở xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Xe cộ huớng từ TP.HCM ra TP Phan Thiết có thể di chuyển tại nút giao này và ngược lại - Ảnh: ĐỨC TRONG
Cách đây một tháng khi tân Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đi thị sát công trường còn ngổn ngang, nay xe có thể bon bon trên tuyến chính từ điểm đầu ở Bình Thuận đến điểm cuối ở Đồng Nai.
Nút giao với quốc lộ 1 ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã thông tuyến - Ảnh: ĐỨC TRONG
Phần lớn xe thi công công trường không còn chạy dưới đường công vụ, dân sinh nữa mà chạy thẳng trên tuyến chính.
Các nhà thầu tăng cường máy móc, nhân lực để đưa dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thông xe kỹ thuật vào ngày 31-12 - Ảnh: ĐỨC TRONG
Những điểm ngổn ngang trước đây nhà thầu sợ không thể hoàn thành nay đã gần như đạt mục tiêu là các đồi 30, 32, 34 ở gói XL02, đoạn qua tỉnh Bình Thuận. Tương tự, gói thầu XL03 ở đoạn Đồng Nai mà trước đây bộ trưởng thấy sốt ruột, sợ không kịp thì nay cũng liền mạch.
Điểm giao giữa hai dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo ở xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, để đảm bảo được mục tiêu thông xe kỹ thuật, các nhà thầu đã tập trung triển khai huy động rất nhiều máy móc thiết bị, đặc biệt sau buổi lễ phát động thi đua 120 ngày/đêm và chuyến thị sát của bộ trưởng.
Thi công phá đồi 32 ở đoạn qua tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Các nhà thầu đã huy động bổ sung thêm 150 nhân lực, 50 máy thi công, hơn 100 xe vận chuyển các loại, 2 trạm trộn bê tông xi măng và điều chỉnh 1 trạm bê tông xi măng sang sản xuất cấp phối đá dăm gia cố xi măng.
Các nhà thầu đang tập trung máy móc và nhân lực thi công tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Ảnh: ĐỨC TRONG
Các nhà thầu còn tăng cường thêm 3 trạm bê tông nhựa, tổ chức thêm 15 dây chuyền thi công nền đường, 5 dây chuyền thi công móng cấp phối đá dăm, cấp phối đá dăm gia cố xi măng và bố trí làm việc liên tục 3 ca, 4 kíp.
Giá trị sản lượng làm được đến ngày 26-12 đạt 73,59% giá trị hợp đồng, tăng 15,38% so với thời điểm phát động thi đua.
Các nhà thầu đang tập trung máy móc và nhân lực thi công tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Ảnh: ĐỨC TRONG
Các hạng mục chính đến nay như sau: đắp nền đường K95+K98 đạt 100%, móng cấp phối đá dăm đạt 94%, móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng đạt 89%, bê tông nhựa nóng R25 đạt 83%, bê tông nhựa nóng C19 đạt 68%.
Thi công ép cọc lắp đặt hộ lan - Ảnh: ĐỨC TRONG
Dự án đã hoàn thành 11/11 hầm chui dân sinh. Còn công trình cầu đã hoàn thành 100% khối lượng mố, trụ, đúc dầm. Các nhà thầu đã lắp dải phân cách giữa đạt 46%.
Thảm bê tông nhựa nóng tại gói XL02 Dầu Giây - Phan Thiết - Ảnh: ĐỨC TRONG
Ông Đặng Hùng Thái - giám đốc điều hành công trường dự án - khẳng định gần như đã thông xe kỹ thuật toàn tuyến dài gần 100km.
Sau đó, các nhà thầu sẽ tiếp tục thi công các hạng mục phụ trợ, an toàn giao thông, đường gom dân sinh… để tiến đến đưa dự án vào khai thác trước dịp lễ 30-4-2023.
Công nhân lắp dải phân cách giữa - Ảnh: ĐỨC TRONG
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Dầu Giây - Phan Thiết thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Dự án có tổng chiều dài 99km (Bình Thuận dài 47,67km, Đồng Nai dài 51,33km), được khởi công từ tháng 9-2020, dự kiến cuối năm nay đưa vào khai thác.
Nhiều đoạn của dự án gần như hoàn chỉnh - Ảnh: ĐỨC TRONG
Tuy nhiên do nhiều yếu tố bất lợi thời gian qua nên dự án đã điều chỉnh lại kế hoạch đến cuối năm thông xe kỹ thuật và đưa vào vận hành dự kiến trước lễ 30-4 sắp tới.
Nhiều đoạn của dự án gần như hoàn chỉnh - Ảnh: ĐỨC TRONG
Theo Tuổi Trẻ