Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các đơn vị liên quan hoàn thiện phương án nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định trong tháng 3-2024.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu sớm hoàn thành phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: P.Tùng
Việc mở rộng tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã trở nên cấp bách khi Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành sẽ được đưa vào khai thác năm 2026.
* Hoàn thành phương án đầu tư trong tháng 3-2024
Mới đây, tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vào đầu năm 2024, người đứng đầu Chính phủ đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hoàn thiện phương án nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Đồng thời, giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan trình cấp thẩm quyền quyết định trong tháng 3-2024.
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe, chiều dài 54km là một phần của đường trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên được đầu tư xây dựng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên từ khi đưa vào khai thác vào năm 2015 đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường cao tốc này liên tục tăng cao.
Theo VEC, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tăng trung bình hơn 10,4% mỗi năm. Đến nay, tuyến đường cao tốc này đã trong tình trạng mãn tải (hết công suất khai thác và trở nên quá tải). Đặc biệt, đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành đã vượt giới hạn năng lực thông hành mặt cắt ngang 4 làn xe 25% và sẽ không thể đáp ứng được khả năng thông hành khi Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2026. Chính vì vây, việc mở rộng tuyến đường cao tốc này đã trở nên cấp thiết.
UBND tỉnh và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan liên quan sớm triển khai thực hiện Dự án Đầu tư mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt cho hay, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ là tuyến kết nối giao thông chính giữa Sân bay Long Thành với Thành phố Hồ Chí Minh. Theo tính toán, khi Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác, 80% lượng khách đến sân bay sẽ có nhu cầu di chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại. Với năng lực hiện nay, đường cao tốc này không thể đáp ứng nhu cầu khi Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đi vào khai thác.
* Đề xuất tối đa 2 phương án khả thi
Cũng tại thông báo kết luận chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vào đầu năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan liên quan đề xuất tối đa 2 phương án khả thi nhất để xem xét, quyết định đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Trước đó, vào tháng 11-2023, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản gửi các bộ và địa phương liên quan về việc chọn phương án thực hiện Dự án Đầu tư mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây do VEC đề xuất. Theo đó, 4 phương án được đề xuất gồm: phương án 1 - đầu tư với cơ cấu nguồn vốn VEC huy động 100% (trong đó, 40% tổng mức đầu tư là vốn của doanh nghiệp và 60% huy động từ các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính); phương án 2 - đầu tư với cơ cấu nguồn vốn hỗn hợp, từ VEC, ngân hàng thương mại và có sự tham gia của ngân sách nhà nước (trong đó, vốn ngân sách nhà nước 46,42%, vốn VEC huy động 53,58% tổng mức đầu tư); phương án 3 - hợp tác (liên danh) với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thực hiện đầu tư mở rộng dự án (trong đó VEC huy động 57%, SCIC 43% tổng mức đầu tư); phương án 4 - phối hợp với nhà đầu tư tư nhân đề xuất theo hình thức đối tác công tư với cơ cấu nguồn vốn có sự tham gia của ngân sách nhà nước (trong đó, vốn nhà đầu tư (VEC và nhà đầu tư khác) huy động 54,42%, ngân sách nhà nước tham gia 45,58% tổng mức đầu tư).
Về phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đơn vị này cho rằng, trong điều kiện hiện nay, phương án đầu tư với cơ cấu nguồn vốn có sự tham gia của ngân sách nhà nước (phương án 2) là phương án có tính khả thi nhất. Đây cũng là phương án đã được VEC đề xuất lựa chọn trước đó.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, phương án này phù hợp với mục tiêu hình thành VEC, phát huy lợi thế của VEC đang là chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác tuyến đường cao tốc này. Việc tiếp tục giao VEC làm chủ đầu tư mở rộng dự án sẽ đảm bảo tính đồng bộ của toàn dự án.
Theo BaoDongNai