HUYỆN NHÀ BÈ VÀ QUẬN 7 SẼ TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ PHÍA NAM TP.HCM

Huyện Nhà Bè sẽ được đầu tư mạnh về hạ tầng, cùng Quận 7 hình thành đô thị phía Nam trực thuộc TPHCM.


Một góc đô thị hóa ở huyện Nhà Bè (TPHCM). Ảnh: Anh Tú

Theo Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Nhà Bè cùng bốn huyện khác sẽ phát triển thành đô thị vệ tinh hiện đại, đạt tiêu chuẩn nâng cấp lên thành phố.

Sau năm 2030, TPHCM sẽ triển khai mô hình đô thị đa trung tâm, trong đó, huyện Nhà Bè kết hợp với Quận 7 để tạo thành đô thị phía Nam trực thuộc TPHCM.

Huyện Nhà Bè sẽ có sự điều chỉnh lớn về quy hoạch không gian. Khu vực từng được quy hoạch làm sân golf sẽ được chuyển đổi thành khu trung tâm đô thị kết hợp công viên công cộng. Đây sẽ là không gian mở rộng của trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng, tạo nên một trung tâm đô thị chính của thành phố phía Nam trực thuộc TPHCM.

Bên cạnh đó, khu công nghiệp, cảng biển và dịch vụ logistics dọc sông Soài Rạp sẽ được định hướng phát triển theo hướng kết hợp giữa đô thị thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp sinh thái.

Huyện Nhà Bè cũng sẽ tiếp tục duy trì và phát triển khu cảng Hiệp Phước, tận dụng lợi thế kinh tế biển, hình thành chuỗi đô thị biển liên kết với khu vực xung quanh.

Cùng với đó, các khu đô thị hiện hữu sẽ được cải tạo, nâng cấp, đồng thời phát triển thêm các khu đô thị mới trên vùng đất trũng, kết hợp chức năng thương mại, hội chợ - triển lãm, công nghiệp văn hóa - giải trí.

Phát triển khu vực Hiệp Phước bao gồm khu công nghiệp - cảng Hiệp Phước và khu Đô thị Hiệp Phước với chức năng chính là dịch vụ - thương mại và tài chính phụ trợ công nghiệp - cảng, dịch vụ logistics, đào tạo nghề nghiệp, tài chính - ngân hàng, nhà ở xã hội, khu ở chuyên gia, các nhà đầu tư và lực lượng lao động tại chỗ...


Huyện Nhà Bè đang đô thị hóa nhanh. Ảnh: Anh Tú

Để đảm bảo sự kết nối và phát triển đồng bộ, khu vực Nhà Bè sẽ được đầu tư mạnh về giao thông.

Các tuyến đường bộ quan trọng được nâng cấp và mở mới gồm: Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 4, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, đường nối cầu Phú Mỹ 2, Lê Văn Lương, Nguyễn Bình...

Về đường sắt, TPHCM sẽ xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng dài khoảng 38 km kết nối từ đường sắt quốc gia đến khu cảng Hiệp Phước.


Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành qua huyện Nhà Bè. Ảnh: Anh Tú

Huyện Nhà Bè trong tương lai sẽ có các tuyến metro đi qua, bao gồm: Metro số 4 (Đông Thạnh - Hiệp Phước), dài 47,3 km; Metro số 10 (vành đai ngoài), đi qua TP Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, dài 83,9 km; Metro số 12 (Quận 7 - Nhà Bè - Khu đô thị lấn biển Cần Giờ), dài 48,7 km.

Về đường thủy, sẽ cải tạo, nâng cấp các tuyến thủy nội địa kết nối khu vực nội thành với cảng biển Hiệp Phước.

TPHCM cũng quy hoạch hệ thống đường ven sông Sài Gòn, tạo động lực phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ và du lịch, đồng thời hình thành trục giao thông Bắc - Nam mới.

Hệ thống bến bãi cũng được quy hoạch với 10 bến cảng/cầu cảng trên sông Nhà Bè. TPHCM sẽ cải tạo, nâng cấp các bến hiện hữu và xây mới cảng hàng hóa Nhơn Đức cùng bến khách Phú Thuận (hạ lưu cầu Phú Mỹ).

Theo Laodong

Bản Tin Novaland
Brochure Công ty
Download Brochure mới nhất của Novaland để hiểu rõ hơn về chúng tôi