Dự kiến ngày 29-4, sau khi kết thúc lễ khánh thành thì xe cộ đã vi vu trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Nhà thầu đang tất bật hoàn thiện trên tuyến chính.
Một đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã hoàn thành tuyến chính
Khi cao tốc này đưa vào khai thác, khoảng cách và thời gian di chuyển từ TP.HCM đến TP Phan Thiết, Bình Thuận kỳ vọng rút ngắn hơn phân nửa.
Không những rút ngắn khoảng cách, chạy êm mà còn tránh được tuyến quốc lộ 1 song song cùng dự án này đang "gồng mình" quá tải, nhất là đoạn từ huyện Xuân Lộc, Đồng Nai đến huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.
Thời gian khai thác ban đầu chưa thu phí xe cộ qua lại.
Có một số kinh nghiệm cho những ai di chuyển bắt đầu từ TP.HCM hướng về TP Phan Thiết khi vi vu trên cao tốc này.
Đầu tiên, nếu xuất phát từ TP.HCM thì buộc phải di chuyển vào đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại TP Thủ Đức. Tất cả các nút giao đều có bảng hướng dẫn lên xuống.
Chạy đến đoạn km43 cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) sẽ gặp nút giao và rẽ phải vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Cùng hướng này, xe từ Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng có thể đi lên nút giao ở quốc lộ 51 để vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Hướng từ quốc lộ 1, huyện Thống Nhất thì chạy ngược lại trên đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ nút giao Dầu Giây. Chạy qua khỏi trạm thu phí khoảng 3km là bắt gặp nút giao, rẽ phải theo đường dẫn lên cầu vượt đi vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Đi vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khoảng 4km sẽ bắt gặp trạm thu phí cho đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Qua khỏi trạm thu phí này sẽ vi vu cùng cảnh sắc hai bên là rừng cao su bạt ngàn
Nút giao nhau thứ 2 trên tuyến là quốc lộ 56 ở huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai. Tại nút giao này, xe có thể lên xuống đi các huyện Cẩm Mỹ, TP Long Khánh (Đồng Nai) hay xa hơn là Xuyên Mộc, Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Qua khỏi nút giao quốc lộ 56 sẽ vi vu cùng cảnh sắc hai bên là vườn trái cây nhiệt đới như sầu riêng, chôm chôm, mít… của tỉnh Đồng Nai
Nút giao thứ 3 là đường tỉnh 765 ở huyện Xuân Lộc. Tại nút giao này có thể lên xuống với ngã ba Suối Cát (quốc lộ 1), khu du lịch núi Chứa Chan, Bệnh viện huyện Xuân Lộc...
Tiếp theo là nút giao có lẽ quy mô nhất giữa cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với quốc lộ 1 ở xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc. Tại nút giao này có thể lên xuống giữa trung tâm hành chính tại thị trấn Gia Ray, các xã Xuân Tâm, Xuân Hưng, Xuân Hòa của huyện Xuân Lộc và những điểm lân cận gần quốc lộ 1
Chạy thêm gần 30km, gặp nút giao thứ 5 với quốc lộ 55B thuộc xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Tại nút giao này có thể ra vào với quốc lộ 1 tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân hoặc đi các huyện miền núi Tánh Linh, Đức Linh, tỉnh Bình Thuận
Nút giao áp chót tại quốc lộ 55 thuộc xã Sông Phan, huyện Hàm Tân. Nút giao này chủ yếu dành cho xe di chuyển lên xuống với thị xã La Gi và một phần trung tâm của huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam (Bình Thuận)
Và nút giao cuối cùng tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam. Nút giao này là điểm kết thúc của cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và bắt đầu đi vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết nếu đi từ huớng TP.HCM ra. Tại nút giao này, nếu đến trung tâm TP Phan Thiết sẽ đi khoảng 2km ra quốc lộ 1. Từ quốc lộ 1 rẽ trái đi thêm 14km là đến trung tâm du lịch TP Phan Thiết
Đoạn chính giữa giáp ranh hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận sau này sẽ làm trạm dừng chân của cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Hiện vị trí này chưa triển khai xây dựng
Vì vậy, trước khi đi vào 99km cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thì xe cộ có thể dừng trên trạm của cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cách nút giao khoảng 1,5km.
Hướng ngược lại, khi xe đi hết cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, nhập vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khoảng 1,5km sẽ có trạm dừng chân.
Lo ngại nhất hiện nay vẫn là đoạn nút giao An Phú, trạm thu phí Long Phước hay cầu Long Thành của cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Nếu đi trên các đoạn này êm xuôi, không ùn ứ thì thời gian từ TP.HCM đến trung tâm Phan Thiết khoảng hơn 2 giờ đồng hồ.
Xem trong hình sẽ thấy các nút giao vẫn trong giai đoạn thi công. Bộ Giao thông vận tải lý giải do trước đây khó khăn nguồn đất đắp nên hạng mục này và đường gom dân sinh chưa hoàn thiện cùng với tuyến chính. Phương án đi lại ban đầu tại các nút giao này có thể bất tiện vì còn cấp phối đá dăm hoặc thảm nhựa nóng chưa hoàn chỉnh
Nhà thầu đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng trên tuyến chính cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Theo Tuổi Trẻ