Theo đó, các đối tượng tổ chức, cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ được mua nhà ở tại Việt Nam. Đây được xem là “cú hích” quan trọng, mang tính quyết định để “phá băng” thị trường BĐS trong tương lai gần.
Liều thuốc mạnh!
“Gói” hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp để mua nhà ở xã hội chưa thành công khi cả nước chỉ giải ngân được 555 tỷ đồng với tỷ lệ chưa đạt 2% (đến giữa tháng 12-2013) kế hoạch giải ngân. Điều này cho thấy, quá trình vận hành của chương trình tín dụng cho người có thu nhập thấp tiềm ẩn quá nhiều bất cập.
Mâu thuẫn giữa việc chứng minh nguồn thu nhập của người đi vay và cơ chế an toàn tín dụng ngày càng bộc lộ khiến tốc độ giải ngân ì ạch, thậm chí có những thời điểm đứng yên tại chỗ. Nếu không điều chỉnh, thay đổi nhanh về chính sách vĩ mô, “gói” tín dụng ưu đãi này có nguy cơ mất tác dụng.
Trước tình thế bức bách, các bộ liên quan đến nhà ở đã tham mưu Chính phủ cho phép các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà. Ủng hộ quan điểm này, lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho biết, kinh tế khó khăn, người dân không còn tiền trong lúc nguồn lực nằm ở khối nước ngoài. Vậy tại sao chúng ta không cho phép người ta được sở hữu nhà ở tại Việt Nam một cách thông thoáng hơn?
Cứ để họ mua nhà trong thời hạn từ 50 đến 70 năm theo luật định, hết thời hạn chúng ta sẽ thu lại.
Có ý kiến cho rằng, tại các nước khác, điều này là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, do trì trệ về tư duy, chúng ta đang sợ người nước ngoài mua nhà, chiếm đất. Nếu điều đó xảy ra, người nước ngoài làm sao “bê” nhà, đất đã mua ở Việt Nam đem đi nơi khác bán? Và đây là cách lý giải thực tế nhất vì sao tồn kho chủ yếu của thị trường BĐS là căn hộ cao cấp, biệt thự bỏ hoang cho dù người nước ngoài định cư, làm ăn ở Việt Nam đang sẵn sàng mua.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tán thành quan điểm của Bộ trưởng KHĐT, đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để mở tối đa quy định này, chỉ trừ những đối tượng bị kiểm soát an ninh. Vấn đề còn lại là cách thể hiện trong luật cho chặt chẽ, phù hợp với Luật Đất đai (sửa đổi) và Bộ luật Dân sự... Có thể nói, mở rộng đối tượng sở hữu nhà ở trong dự thảo sửa đổi các luật lần này là liều thuốc mạnh để Chính phủ có thể tận dụng tối đa nguồn lực từ bên ngoài.
Thị trường BĐS Đà Nẵng được xem là khá nhất, nhưng cũng chỉ ở phân khúc giá rẻ (Trong ảnh: KĐT sinh thái Nam Việt Á, phía Đông Nam cầu Tiên Sơn có giá từ 6-10 triệu đồng/m2 khá hấp dẫn khách hàng). Ảnh: H.T
2014, "mở cửa” và “băng” sẽ tan?
Cách đây 5 năm, giới đầu tư nước ngoài không được phép thâm nhập thị trường BĐS Việt Nam. Tuy nhiên, những năm sau đó, khi Chính phủ “bật đèn xanh”, họ bắt đầu tham gia vào 2 DA nhà ở quy mô lớn là Phú Mỹ Hưng (TPHCM) và Ciputra (Hà Nội). Năm 2008, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định cho phép giới đầu tư nước ngoài có những quyền tương tự như các nhà đầu tư trong nước.
Ngay lập tức, trong quý I-2008, đầu tư nước ngoài vào thị trường BĐS tăng vọt lên 5,5 tỷ USD, bằng doanh số của năm 2007. Bởi thế, trong gần một thập niêm qua, vốn FDI cho BĐS luôn chiếm tỷ trọng cao kể cả khi thị trường suy yếu. Riêng trong 11 tháng của năm 2013, dòng vốn này liên tục “đổ bộ” vào Việt Nam, đứng thứ 3 với 20 DA đầu tư mới.
Nếu giải pháp cho phép các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà được Chính phủ đồng ý, thị trường BĐS của Việt Nam sẽ khởi sắc vào thời điểm 6 tháng cuối năm 2014.
Và chỉ có nguồn lực này, chúng ta mới có thể vực dậy địa ốc đã “im hơi lặng tiếng” hơn 2 năm nay. Nhận định về khả năng này, GS Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT) cho rằng, nếu triển khai đồng bộ trên phạm vi rộng, những dấu hiệu phục hồi của BĐS sẽ trở lại thật sự. Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) dự báo, thị trường sẽ khởi động kể từ quý III-2014, bởi vào thời điểm đó nền kinh tế sẽ xuất hiện những dòng vốn FDI rất mạnh mẽ vào thị trường.
Dường như để hỗ trợ cho kế hoạch này, hàng loạt các biện pháp của Chính phủ đã được triển khai đồng bộ trong thời gian gần đây. Đó là giảm thuế thu nhập DN, hạ trần lãi suất huy động vốn ngắn hạn, áp dụng việc giảm 50% thuế VAT cho các giao dịch căn hộ thương mại với diện tích sàn dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Việc Chính phủ thông qua phương án nâng trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% GDP để mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm tới sẽ là “chất xúc tác” khiến thị trường BĐS ấm lại nhờ sự kết nối hạ tầng tốt ngày càng hoàn thiện hơn.
Từ những “đột phá” như vậy, hy vọng bức tranh BĐS năm 2014 sẽ sáng lên cùng với chính sách mở cửa đối với người nước ngoài. Hàng loạt các diễn biến tích cực trên phương diện cung cầu, giá cả cũng như động thái hỗ trợ của cơ quan quản lý sẽ góp phần đưa thị trường ấm trở lại trong thời gian tới.
Theo Văn Khoa (Công an Đà Nẵng)