Ngày 18/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về hai dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Cùng ngày, Quốc hội cũng sẽ biểu quyết thông qua Luật xây dựng (sửa đổi).
Minh bạch hóa thị trường bất động sản
Có thể nói, Luật Kinh doanh bất động sản cùng với các luật có liên quan như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Bộ luật Dân sự… đã tạo ra một hệ thống cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ để giúp cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, từng bước hội nhập với thông lệ quốc tế.
Việc thu hút được nhiều nguồn lực trong và ngoài nước vào lĩnh vực bất động sản đã thúc đẩy nhiều ngành sản xuất kinh doanh, dịch vụ khác cùng phát triển như ngành xây dựng, công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất công trình, đồ gia dụng…
Kể từ khi Luật Kinh doanh bất động sản 2006 có hiệu lực, thị trường bất động sản từng bước hình thành và phát triển, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, trở thành thị trường trọng điểm của nhiều tập đoàn mạnh trong nước và nhiều tập đoàn bất động sản đa quốc gia.
Đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (vốn FDI) vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh. Thu hút đầu tư phát triển thị trường bất động sản đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách từ thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những thành tựu đạt được thì Luật Kinh doanh bất động sản 2006 cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại và bất cập liên quan đến các vấn đề như: Phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản; điều kiện năng lực tài chính của chủ đầu tư; xác định quyền sở hữu bất động sản; về hình thức kinh doanh bất động sản (cho thuê, thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai), về huy động vốn, về sàn giao dịch bất động sản, chuyển nhượng một phần dự án bất động sản và về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bất động sản…
Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) lần này đã kế thừa và phát triển các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006 và các văn bản hướng dẫn luật đang còn phù hợp.
Những nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với pháp luật về kinh doanh bất động sản hiện hành đã được cơ quan soạn thảo cân nhắc, lựa chọn trên cơ sở tổng kết, đánh giá thi hành Luật Kinh doanh bất động sản 2006 và đánh giá tác động của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay và trong thời gian tới, trong bối cảnh hội nhập, nên nhìn chung có tính khả thi trong quá trình triển khai thi hành.
Phát triển nhà ở theo hướng bền vững
Qua 8 năm thi hành, Luật Nhà ở năm 2005 và các văn bản hướng dẫn đã cơ bản góp phần quan trọng trong việc phát triển thị trường nhà ở của Việt Nam và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh những mặt được, quá trình thi hành Luật Nhà ở cũng đã phát sinh một số bất cập như một số quy định, cơ chế về đầu tư và phát triển nhà ở, nhà ở công vụ, nhà ở thương mại, nhà ở tái định cư, chất lượng nhà ở riêng lẻ, quản lý, sử dụng nhà ở, đặc biệt là các quy định về quản lý, sử dụng nhà ở chung cư; quy định về giao dịch nhà ở… chưa phù hợp với tình hình thực tiễn và không đáp ứng kịp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; Luật Nhà ở năm 2005 còn có nhiều nội dung trùng lắp, chồng chéo, hoặc không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn với các văn bản pháp luật có liên quan.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này có 13 chương, 179 điều. So với Luật Nhà ở hiện hành có 9 chương với 153 điều thì dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tăng thêm 4 chương và 26 điều, tập trung vào một số nội dung như: Bảo đảm công tác phát triển nhà ở phải đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Đổi mới nội dung, phương thức thực hiện, quy định rõ cơ chế, chính sách ưu đãi; Quy định cụ thể, rõ ràng các cơ chế tài chính phục vụ cho phát triển nhà ở; Thống nhất xác định lại thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở cho phù hợp với từng loại giao dịch để tạo điều kiện cho các chủ sở hữu thực hiện được đầy đủ các quyền của mình đối với nhà ở; Quy định cụ thể về thời hạn sử dụng nhà chung cư căn cứ vào cấp công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng; Tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động các nguồn lực tài chính ổn định, dài hạn với lãi suất phù hợp cho phát triển nhà ở; Làm rõ hơn các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư, đặc biệt là việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về nhà ở đầy đủ, tin cậy và cập nhật để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, lập chương trình, kế hoạch và phân bổ nguồn lực hợp lý cho phát triển nhà ở; Mở rộng đối tượng và điều kiện được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài…
Ngoài ra, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) còn sửa đổi, bổ sung các nội dung có liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ để bảo đảm phù hợp với thực tế hiện nay hoặc để thống nhất với các đạo luật khác có liên quan.
Theo diaoconline.vn