Theo Bộ Giao thông vận tải, trong năm 2025, sẽ có 19 dự án hạ tầng giao thông quan trọng sẽ được khởi công xây dựng.
Trong đó, Bộ Giao thông vận tải sẽ đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư để khởi công các dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến đường cao tốc: Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận; đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Cam Lộ - La Sơn; La Sơn - Túy Loan; Chợ Mới - Bắc Kạn, Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1,… ngay trong quý I và II-2025.
Dự án mở rộng đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành thuộc đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sẽ được khởi công trong nửa đầu năm 2025. Ảnh: tư liệu
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây có tổng chiều dài 55km. Dự án được đưa vào khai thác từ giữa năm 2016 với quy mô 4 làn xe. Qua gần 10 năm đưa vào khai thác, tuyến cao tốc này đã trở nên quá tải. Chính vì vậy, yêu cầu nâng cấp, mở rộng tuyến cao tốc này đang trở nên rất cấp bách, đặc biệt là đối với đoạn từ Thành phố Hồ Chí Minh đến huyện Long Thành nhằm phục vụ nhu cầu vận tải khi Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác trong năm 2026.
Theo phương án được đề xuất, đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành sẽ được đầu tư mở rộng có chiều dài gần 22km. Điểm đầu tại Km4+000 (nút giao Vành đai 2) thuộc thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh; điểm cuối tại Km25+920 (nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Trong đoạn tuyến được đề xuất mở rông, đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 (Km4+00 đến Km8+770) được đầu tư 8 làn xe theo quy hoạch. Đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8+770 đến Km25+920) đầu tư 10 làn xe theo quy hoạch.
Đối với cầu Long Thành sẽ đầu tư xây dựng 1 đơn nguyên cầu mới quy mô tương tự cầu hiện tại, tổ chức giao thông khai thác với quy mô 10 làn xe. Với phương án này, dự kiến tổng mức đầu tư gần 15 ngàn tỷ đồng.
Theo BaoDongnai