Tăng thị phần gói 30.000 tỷ đồng

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề xuất cần bổ sung thêm đối tượng được vay là hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua. Sản phẩm nhà ở này có thể cũng được bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cho học sinh, sinh viên và các đối tượng khác thuộc diện được giải quyết nhà ở xã hội.

Điều chỉnh phù hợp

Tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong đó có phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS). Theo đó, kéo dài thời gian hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân với thời hạn cho vay tối đa từ 10 năm lên 15 năm.

Trước đó, NHNN cũng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị nâng thời hạn cho vay như trên.


Thanh khoản BĐS sẽ tốt hơn, giảm hàng tồn kho

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề xuất cần bổ sung thêm đối tượng được vay là hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua. Sản phẩm nhà ở này có thể cũng được bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cho học sinh, sinh viên và các đối tượng khác thuộc diện được giải quyết nhà ở xã hội.

“Hộ gia đình, cá nhân, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động đô thị có khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức, đã có đất ở phù hợp với quy hoạch thì cũng được vay vốn ưu đãi từ gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng để xây dựng nhà ở” – ngành Xây dựng đề xuất thêm.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề nghị mở rộng diện hỗ trợ nhà ở đến các hộ gia đình, cá nhân có khó khăn về nhà ở tại đô thị được vay vốn ưu đãi để mua nhà ở thương mại là chung cư có diện tích dưới 70m2/căn, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.

Theo thông tin từ Phiên họp Chính phủ, những đề xuất, kiến nghị xung quanh việc mở rộng đối tượng cho vay gói 30 nghìn tỷ đồng đã được Thủ tướng đồng ý, tán thành.

Phản hồi khi biết thông tin này, Phó tổng giám đốc BIDV – một trong số các ngân hàng đang triển khai gói tín dụng này cho biết, việc tháo gỡ khó khăn như vậy là phù hợp với tình hình thực tế. “Trước đây, qua nhiều cuộc họp, BIDV cũng từng đề nghị giảm lãi suất thấp xuống, thời hạn cho vay nới lỏng hơn. Lãi suất thì đã giảm xuống 5%/năm rồi, nay thời hạn vay tăng lên 15 năm sẽ hỗ trợ tốt hơn cho người vay” - vị Phó tổng giám đốc BIDV chia sẻ.

Lãnh đạo một NHTM lớn đang triển khai gói cho vay này cũng cho rằng, việc Chính phủ đồng ý nới thời hạn cho vay gói 30 nghìn tỷ đồng với khách hàng cá nhân là hợp lý. Có thể trước đây, các ngân hàng khó khăn về vốn trung và dài hạn, nhưng nay ngân hàng đã khắc phục được nên cũng dễ bố trí nguồn cho vay trung và dài hạn hơn.

Theo thống kê sơ bộ, nếu như tại thời điểm 31/12/2013, tổng số vốn cam kết cho vay mới là 1.760 tỷ đồng, thì đến thời điểm 31/5/2014 tổng số vốn cam kết cho vay đã là 3.954,4 tỷ đồng, tăng 225%, đạt 13,2% so với tổng nguồn vốn. Số liệu trên cho thấy, các ngân hàng cũng đang rất nỗ lực giải ngân.


Gói 30 nghìn tỷ đồng không phải để cứu thị trường

Ông Phạm Thanh Hưng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn BĐS CenGroup cho rằng, nếu mở rộng đối tượng thì “room” cho vay sẽ lớn hơn rất nhiều so với trước. Những điều chỉnh về mặt chính sách như trên sẽ giúp các chủ dự án tích cực hơn trong việc chuyển đổi từ nhà ở thương mại diện tích lớn sang diện tích nhỏ, thanh khoản BĐS sẽ tốt hơn, giảm hàng tồn kho. Đồng thời, việc cho điều chỉnh gói 30 nghìn tỷ đồng sẽ thu hút thêm chủ đầu tư tham gia các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có diện tích dưới 70m2/căn, giá bán 15 triệu đồng/m2 trở xuống.

Ông Phạm Thanh Hưng cũng đưa ra nhìn nhận rằng, gói 30 nghìn tỷ đồng này chỉ hướng tới giải quyết các đối tượng chính sách, đối tượng khó khăn về nhà ở, nên không thể giải cứu hoàn toàn sự ế ẩm của thị trường. “Hàng hóa trên thị trường BĐS hiện nay, theo tôi nghĩ, có tổng giá trị khoảng 500 nghìn tỷ đồng. Đây là một số tiền rất lớn” – ông Phạm Thanh Hưng phân tích và cho rằng, việc mở rộng gói 30 nghìn tỷ đồng chỉ kích thích một phân khúc nhỏ.

Đồng tình với ông Hưng, một chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, ngay cả gói 50 nghìn tỷ đồng mà NHTMCP Xây dựng và một số NHTM khác đang triển khai cũng chỉ mang tính hỗ trợ thêm cho thị trường trong lúc khó khăn. Theo ông, đặc trưng của thị trường BĐS là lúc giá đi xuống thì rất nhanh nhưng hồi phục lại cần thời gian rất dài. Giá BĐS bao giờ cũng lao dốc trước nền kinh tế nên kinh tế phải hồi phục trước thì BĐS mới ấm theo. Chính vì vậy, những diễn biến kinh tế vĩ mô gần đây là tín hiệu tốt cho thị trường BĐS. Và có thể nói sự hồi phục của nền kinh tế mới là “cây đũa thần” cho thị trường BĐS sôi động trở lại.


Theo diaoconline.vn
Bản Tin Novaland
Brochure Công ty
Download Brochure mới nhất của Novaland để hiểu rõ hơn về chúng tôi