VOV.VN - Theo nhận định của nhiều chuyên gia, để phát triển bất động sản (BĐS) du lịch, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tại Diễn đàn Bất động sản du lịch 2019 diễn ra sáng 6/4, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch cho rằng, sự tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa thời gian qua đã tạo ra làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resorts, biệt thự, căn hộ du lịch...
Các diễn gia tham gia buổi tọa đàm.
Chỉ trong thời gian ngắn số lượng cơ sở lưu trú lĩnh vực du lịch tăng lên nhanh chóng. Năm 2011 cả nước có 13.756 cơ sở lưu trú du lịch với trên 256.000 buồng thì tới 2018 con số đã đạt 28.000 cơ sở với 550.000 buồng lưu trú, tốc độ tăng trưởng về quy mô buồng bình quân 12%/năm.
Theo ông Siêu, đến năm 2020 dự báo Việt Nam đón 21 triệu lượt khách quốc tế, cả nước có 650.000 đến 700.000 buồng lưu trú du lịch; tốc độ tăng trưởng bình quân 8,2-8,5%. Đó là những lợi thế về mặt điều kiện, tuy nhiên, chính chất lượng dịch vụ mới tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch và cho bất động sản du lịch, muốn như vậy thì phải có nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Nguồn nhân lực thực hiện kỹ năng cơ bản phải đảm bảo tính chuyên nghiệp. Chính giá trị của một phòng khách sạn, một đêm ngủ, một m2 bất động sản là do nguồn nhân lực tạo ra. Tất cả những thứ sinh lợi là do con người chứ không phải do máy móc, công nghệ, nhưng phải quản trị thế nào, tạo ra cơ chế thế nào để có xung lực làm ra giá trị mới”, ông Hà Văn Siêu nhận định.
Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao Tập đoàn Novaland cho rằng, cả ngành dịch vụ du lịch của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu, chưa nói đến chất lượng. Năm 2018, nước ta đón 15 triệu lượt khách du lịch nhưng lực lượng lao động ngành này chỉ có 4%, không đủ đáp ứng về số lượng. Còn về chất lượng nguồn nhân lực, tỉ lệ hướng dẫn viên thông thạo tiếng Anh chỉ 40%, thạo tiếng Trung Quốc chỉ 5%, tiếng Hàn Quốc độ 2%.
Theo VOV.VN