Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo nhiều bộ ngành T.Ư và 2 tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai đã cắt băng khánh thành, đưa vào khai thác tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Vào 8 giờ 30 sáng nay 29.4, tại xã Hàm Kiệm, H.Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), Bộ GTVT phối hợp với tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai tổ chức lễ khánh thành tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đưa vào vận hành khai thác.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự lễ khánh thành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ rất sớm
Cùng thời điểm trên, tại Thanh Hóa, Bộ GTVT và UBND tỉnh Thanh Hóa cũng tổ chức lễ khánh thành và đưa vào khai thác tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45. Cả 2 tuyến cao tốc này thuộc hệ thống các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công của Chính phủ.
Ban Tổ chức giới thiệu sự hiện diện của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Đến dự lễ khánh thành tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây tại Bình Thuận có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó chủ tịch quốc hội Nguyễn Đức Hải, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng và đại diện nhiều bộ ngành T.Ư tham dự.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại buổi lễ
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99, đi qua các H.Hàm Thuận Nam, Hàm Tân (Bình Thuận) và H.Xuân Lộc, Thống Nhất, TP.Long Khánh và H.Cẩm Mỹ ( Đồng Nai). Dự án có mức đầu tư 12.577 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư công, thiết kế làn đường rộng 23,5m với 4 làn xe và vận tốc cho phép 120 km/giờ và do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn nút giao xã Xuân Tâm, H.Xuân Lộc, Đồng Nai (ảnh chụp chiều 28.4)
Theo Bộ GTVT, thiết kế đường đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A vận tốc thiết kế 120 km/giờ (Tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc TCVN5729-2012). Đoạn tuyến nối cao tốc với QL1A xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng (tiêu chuẩn đường ô tô TCVN4054-05), vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Quy mô mặt cắt ngang đường cao tốc giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, bề rộng B nền =32,25m; giai đoạn phân kỳ 4 làn xe + 2 làn dừng khẩn cấp bề rộng B nền =25m. Đoạn tuyến nối đường cao tốc với QL1A: bề rộng B nền =16.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại buổi lễ
Dự án sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực Nam Trung bộ; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên QL1A. Giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực đầu mối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Đông Nam bộ và Duyên hải Nam Trung bộ, cũng như từ Bắc vào Nam.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An tại buổi lễ
Dự án còn góp phần tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc biển của Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa. Đặc biệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, gỡ nút thắt giao thông đối ngoại cho Bình Thuận, Đồng Nai, giải bài toán áp lực giao thông cho tuyến QL1 hiện nay đang quá tải.
Nút giao cuối cùng của cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đấu nối với cao tốc Dầu Giây - Long Thành - TP.HCM (ảnh chụp chiều 28.4)
Tại điểm cầu Thanh Hóa, tham dự lễ khánh thành cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Mai Sơn - QL45 tại hầm Thung Thi sáng 29.4 có Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ ngành, UBND tỉnh Thanh Hoá...
Từ đầu cầu Thanh Hoá, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, nhiều dự án trọng điểm của ngành GTVT đã hoàn thành đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả. Trong đó, đường bộ cao tốc đã hoàn thành 1.580 km (Riêng giai đoạn trước năm 2020 đưa vào khai thác 1163 km, trong 3 năm gần đây chúng ta đã đưa vào khai thác 416 km).
Theo quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.
Bằng nhiều nguồn vốn, ngành GTVT tiếp tục triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2017 - 2020) gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654 km và giai đoạn 2021 - 2025 gồm 12 dự án thành phần với tổng chiều dài 729 km.
Đến nay, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017 - 2020), đã đưa vào khai thác 2 dự án với tổng chiều dài 113 km. Với việc khánh thành đoạn Mai Sơn - QL45 dài 53 km và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km đi qua địa phận các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai, tổng số km đường cao tốc trục Bắc - Nam đưa vào khai thác nâng lên 784 km so với giai đoạn trước năm 2020 là 458 km.
Theo ông Thọ, Bộ GTVT cũng đang chỉ đạo các đơn vị nỗ lực triển khai, dự kiến đến ngày 19.5 sẽ khánh thành thêm đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101 km và đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài 49 km. Tiếp đến cuối năm 2023 khánh thành thêm 4 đoạn (gồm QL45 - Nghi Sơn dài 43 km, Nghi Sơn Diễn Châu dài 50 km, cầu Mỹ Thuận 2 dài 7 km và Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23 km) với tổng chiều dài 133km.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà dự lễ khánh thành cao tốc Bắc- Nam đoạn Cam Lâm- Vĩnh Hảo
Đến năm 2024 sẽ hoàn thành 2 đoạn (Diễn Châu - Bãi Vọt dài 50 km và Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 79 km) với tổng chiều dài 129 km.
Đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và một số đoạn khác để thông toàn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Theo Thứ trưởng Thọ, quá trình triển khai các dự án đã gặp không ít khó khăn như dịch Covid-19, đứt gãy chuỗida cung ứng vật liệu, thời tiết cực đoan, nhà thầu gặp khó khăn về nguồn lực tài chính… Để dự án về đích đúng kế hoạch, Bộ GTVT đã phát động phong trào thi đua “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật”, thi công “3 ca 4 kíp”, đưa 2 dự án vào khai thác.
Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban QLDA Thăng Long, các đơn vị tư vấn, các đơn vị thi công tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung thi công để hoàn thiện các hạng mục còn lại của công trình, hoàn thành đồng bộ dự án trước ngày 30.6.2023.
Theo Thanh Niên