TRIỂN VỌNG ĐBSCL TRÊN BẢN ĐỒ DU LỊCH QUỐC TẾ

ĐBSCL có tài nguyên và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp không khói, nhưng tốc độ còn chậm, chưa tạo dấu ấn. Bên cạnh đó, còn là thách thức làm thế nào để phát huy tối đa tiềm năng du lịch của vùng nhưng không gây tác động xấu đến môi trường tự nhiên. Mặt khác, ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu (BĐKH). Tại Hội thảo quốc tế “Tầm nhìn Du lịch ĐBSCL hiện đại, bền vững thích ứng biến đổi khí hậu” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp thay đổi diện mạo du lịch vùng đất này.

Thách thức từ nhiều phía          
Trong Quy hoạch tổng thể Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, ĐBSCL được hoạch định là một trong 7 vùng du lịch, với lợi thế phát triển đa dạng các loại hình du lịch: sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, trải nghiệm văn hóa… Năm 2017, lượng khách đến ĐBSCL đạt trên 34 triệu lượt, tăng 18,7 % so với năm trước; tổng thu từ du lịch đạt trên 17.000 tỉ đồng, tăng 26,5% so năm 2016.

Nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL có quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển du lịch. Tuy nhiên, tốc độ còn khiêm tốn; việc đầu tư, khai thác chưa được kết nối cấp độ vùng, còn thiếu chiến lược ở thị trường khách có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày… 

Ông Christopher Lewis Malone, Giám đốc điều hành Tập đoàn tư vấn Boston (The Boston Consulting Group - BCG), phân tích: “Mỗi du khách đến ĐBSCL chi tiêu chỉ khoảng 22 USD/ngày, thấp hơn 75% so với mức bình quân của Việt Nam. Khách lưu trú chỉ chiếm khoảng 32% lượng khách đến, nhưng mức chi tiêu dành cho lưu trú lại chiếm đến 40% trong tổng số chi tiêu”. Đó là chưa kể nhân lực du lịch qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 30%, thấp hơn 15 điểm so với mặt bằng chung của Việt Nam. “Trong khi các vùng du lịch khác có mức tăng trưởng đạt ở hai chữ số thì ĐBSCL lại không quá 10%”, ông Christopher Lewis Malone nhấn mạnh.

Mặt khác, BĐKH đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế của các địa phương. Nước biển dâng, xâm ngập mặn, khô hạn, sạt lở… ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sự phát triển du lịch, phá hủy nhiều tài nguyên. 

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về phát triển bền vững cho ĐBSCL, đánh giá: “Các tài nguyên của ĐBSCL đang đứng trước thách thức BĐKH và ảnh hưởng không nhỏ đến du lịch. Có ba thách thức lớn đối với tài sản du lịch ở đây: nước biển dâng, thủy điện từ thượng nguồn gây thiếu phù sa và tình trạng thâm canh ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất. Tất cả tạo nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho tài sản du lịch, nhất là với văn hóa sông nước”. Ông Christopher Lewis Malone bổ sung: “Tài sản lớn nhất của  ĐBSCL là cảnh quan và đa dạng sinh học. Sự tăng trưởng lượng khách đến và sự phát triển cơ sở hạ tầng cần phải được quản lý để đảm bảo giữ gìn vẻ đẹp tự nhiên. Hoạch định phát triển du lịch phải gắn liền với bảo vệ môi trường. Muốn vậy phải có sự can thiệp quản lý ngay từ đầu”.

Thực tế này đòi hỏi du lịch ĐBSCL cần có tầm nhìn mới, các giải pháp toàn diện, đồng bộ, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển bền vững.

Khai thác lợi thế

Cuối tháng 3 vừa qua, Dự án Phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng BĐKH đã được UBND TP Cần Thơ, Tập đoàn Novaland, BCG và Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) ký kết, nhằm kết nối phát triển du lịch 13 tỉnh ĐBSCL với Cần Thơ đóng vai trò trung tâm.

Theo phân tích của BCG, du lịch ĐBSCL gặp khó khăn bắt nguồn từ kết nối giao thông. Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ được quy hoạch cho cả vùng, nhưng chỉ có 4 kết nối. So với Đà Nẵng, Cần Thơ có ít hơn đến 25 kết nối. Một so sánh khác, Cảng Hạ Long trung bình phục vụ khoảng 22.000 lượt khách/ngày, còn Bến Ninh Kiều chỉ chừng 4.000 lượt khách mỗi ngày và Cần Thơ vẫn chưa có cảng đúng chuẩn phục vụ du khách. Quan trọng hơn, ĐBSCL không phải là điểm đến chính của du khách  mà chỉ là phần bổ sung của chuyến đi đến TP Hồ Chí Minh. Trong 80% du khách đến TP Hồ Chí Minh, có khoảng 34% lựa chọn hành trình tiếp đến là Cần Thơ.

Chợ nổi - điểm nhấn ấn tượng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với ĐBSCL

 

Từ đó, BCG đặt ra 6 nội dung cần quan tâm, chủ yếu xoay quanh định hướng tầm nhìn, cụm du lịch tổng thể, cơ sở hạ tầng, những tài sản phi hạ tầng, đầu tư và kêu gọi đầu tư. Ông Christopher Lewis Malone nhấn mạnh: “Cụm du lịch ĐBSCL cần phải xác định được thương hiệu riêng, nên tập trung 3 chủ đề chiến lược: “Nghỉ dưỡng trên sông”, “Safari ĐBSCL” và “Khám phá sinh thái- nông nghiệp”; để ĐBSCL phát huy văn hóa sông nước, đa dạng sinh học nhưng vẫn đảm bảo bền vững môi trường”.

Điều này cho phép ĐBSCL xây dựng những dòng sản phẩm: khám phá tự nhiên, văn hóa, du thuyền trên sông, những bãi biển hoang sơ, nghỉ dưỡng và giải trí; đột phá đầu tư với các sản phẩm khinh khí cầu tại Tịnh Biên và Trà Sư, khám phá sông Mê Công bằng du thuyền nghỉ dưỡng từ 3-5 sao… 

Ông Jonatan Gomez, chuyên gia của UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới), cho biết: “Những trải nghiệm về văn hóa bản địa, ẩm thực Việt Nam gây ấn tượng mạnh. Tôi đánh giá cao việc kết nối cảm xúc giữa người bản địa với du khách, cũng như những sản phẩm du lịch sinh thái. ĐBSCL có thế mạnh này và tôi cho rằng phát triển du lịch đường sông ở ĐBSCL sẽ mở rộng loại hình sản phẩm và tăng lượng khách đến”. Đồng quan điểm, ông John Lindquist, cố vấn cấp cao của BCG, nói: “ĐBSCL nên tận dụng lợi thế tự nhiên để khai thác các xu thế đang được thị trường quốc tế ưa chuộng. Đó là các trải nghiệm về văn hóa, du lịch nông nghiệp, sinh thái, chăm sóc sức khỏe.  Tôi đã có tour 2 ngày trên du thuyền của Victoria khám phá sông Mê Công và cho rằng ĐBSCL nên nắm bắt lợi thế này để khai thác du lịch”.

Phát triển hạ tầng-điều kiện cơ bản
Về hạ tầng du lịch, ông John Lindquist cho rằng: “Một đường bay mới muốn tồn tại phải mất ít nhất 3 năm chịu lỗ và hòa vốn, nên buộc phải có chính sách, cùng với chiến lược kinh doanh, quảng bá hiệu quả. Tại quốc gia của tôi, phương pháp thường sử dụng là một hãng hàng không đứng ra phối hợp cùng các đối tác và phân chia tỷ lệ; hoặc hãng hàng không kết hợp với các đơn vị lữ hành. Cần Thơ và ĐBSCL có thể tham khảo cách làm này". 

"Để du lịch ĐBSCL trỗi dậy thì mở đường rộng, kết nối đường bay là một trong việc đầu tiên phải làm”. BCG đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ phải có ít nhất 20 kết nối bay quốc tế, 10 kết nối bay nội địa. Ông Jonatan Gomez nói thêm: “ĐBSCL cần xây dựng nền tảng tích hợp cho chính sách du lịch, chẳng hạn hội đồng vùng, cơ quan xúc tiến chung, xây dựng sự kiện du lịch cho vùng, thiết lập các quan hệ đối tác kêu gọi đầu tư cho vùng”-ông John Lindquist nói.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland, chia sẻ: “Tập đoàn Novaland tiên phong tài trợ cho các dự án tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL và đầu tư trực tiếp tại Cần Thơ, Vĩnh Long và các địa điểm khác của miền Tây Nam bộ. Dự án sẽ tạo động lực phát triển vùng theo định hướng bền vững, thích ứng với BĐKH, tạo việc làm cho ngưới dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như tạo thời cơ và động lực thu hút đầu tư, nối kết 13 tỉnh thành ĐBSCL”.

Du lịch sinh thái là loại hình các chuyên gia đánh giá cao ở vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm du lịch sinh thái ở Phong Điền với những vườn dâu trĩu quả

 

Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Cần Thơ, cho rằng: “Từ những giải pháp mà BCG và các chuyên gia đưa ra, Cần Thơ có cơ sở để kêu gọi đầu tư trọng tâm, ưu tiên cho các sản phẩm khai thác văn hóa sông nước và hệ thống sản phẩm sinh thái, ẩm thực. Tôi cũng cho rằng các tỉnh ĐBSCL nên cùng xây dựng những thương hiệu nông nghiệp, du lịch chất lượng cao; có sự liên kết, đầu tư trọng điểm để phát triển nhưng vẫn bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường”.

Dự án Phát triển du lịch ĐBSCL thích ứng BĐKH đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của vùng, kỳ vọng sẽ đưa ra nhiều mô hình thích hợp để đưa du lịch ĐBSCL trở thành điểm đến hàng đầu châu Á về du lịch trên sông.

Nguồn Báo Cần thơ

Bản Tin Novaland
Brochure Công ty
Download Brochure mới nhất của Novaland để hiểu rõ hơn về chúng tôi