Với việc vừa được chính quyền địa phương cấp mỏ đất trong tháng 12/2021, Ban quản lý dự án Thăng Long cho biết dự án tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có khả năng về đích sớm từ 1 đến 3 tháng....
Một đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đang thi công qua huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai.
Ban quản lý dự án Thăng Long, đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao làm chủ đầu tư dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đã cho biết thông tin như trên, nhân buổi làm việc với Đoàn công tác Bộ Giao thông vận tải tại tỉnh Đồng Nai về dự án này mới đây.
Tại buổi làm việc với Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về công tác giải phóng mặt bằng và tháo gỡ nguồn vật liệu cao tốc, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đánh giá cao tỉnh Đồng Nai đã có nhiều hỗ trợ tích cực trong công tác bàn giao mặt bằng, hỗ trợ giải quyết vấn đề vật liệu thi công cao tốc để tăng tốc thi công sắp tới.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng nhất trí với Đồng Nai về việc giải quyết hồ sơ thủ tục cấp phép hạ cốt nền, cải tạo đất nông nghiệp để khai thác đất đắp thi công cao tốc trong tháng 12/2021. Qua tháng 01/2022 sẽ khơi thông nguồn vật liệu cho các gói thầu XL - 03, XL - 04.
Để có nguồn đất đắp sớm hoàn thiện thi công nền đường cao tốc, Thứ trưởng Đông yêu cầu Ban quản lý dự án Thăng Long và các nhà thầu phối hợp chặt chẽ với sở, ngành địa phương trong việc hoàn thiện thủ tục để giải quyết nhanh nhất nguồn vật liệu thi công. “Với các mỏ đất khai thác hình thức cải tạo đất nông nghiệp phải bảo đảm môi trường, không làm ảnh hưởng đến người dân. Sau khi khai thác xong sẽ đóng mỏ và san gạt hoàn thổ để bảo đảm an toàn”, ông Đông nhắc nhở.
Về việc giải quyết vật liệu cho thi công, ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết: Đối với các mỏ vật liệu cung cấp phục vụ dự án cao tốc, tỉnh đã có chủ trương cải tạo đất nông nghiệp, hạ cốt nền đất dôi dư ra phục vụ cao tốc. Đến nay có 3 dự án cải tạo đất nông nghiệp cần sớm hoàn tất các thủ tục hoàn thiện trong tháng 12 này. Ông Phi cũng lưu ý các nhà thầu phải bổ sung đánh giá trữ lượng khai thác. Vì sau thời gian cấp phép khai thác sẽ ngưng khai thác, nhà thầu phải hoàn thổ theo quy định.
Đến nay, khối lượng giải ngân các gói thầu xây lắp đạt hơn 1.800 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2021, đạt 78,9%; so với kế hoạch giải ngân thì vượt 2,3%.
Những nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ do nguồn vật liệu đất đắp khan hiếm, vướng mặt bằng, thời tiết, đặc biệt là làn sóng bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư vừa qua diễn biến phức tạp. Từ đầu tháng 10/2021, ngay sau khi tỉnh Đồng Nai tháo dỡ các chốt kiểm soát dịch, nhà thầu đã huy động lại công nhân, xe ra vào công trường bình thường nên công tác thi công sôi động trở lại. Đến nay nhiều đoạn đang tập trung vật liệu đẩy nhanh cấp phối đá dăm, các cây cầu trên tuyến đang đồng loạt thi công.
Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, dự kiến trong tháng 12/2021, nguồn vật liệu đất đắp cung cấp cho hai gói thầu qua tỉnh Đồng Nai sẽ được tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thi công. Vừa qua, tỉnh Đồng Nai cấp được mỏ đất trong tháng 12/2021 để lấy đất san lấp thì tiến độ của dự án trong quý I năm 2022 sẽ vượt yêu cầu và phấn đấu về đích sớm từ 1 đến 3 tháng.
Theo VnEconomy
Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km đi qua hai tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai. Dự án được khởi công cuối tháng 9/2020 và theo kế hoạch tuyến cao tốc này sẽ thi công hoàn thành vào cuối năm 2022. Trong đó, giai đoạn 1 được xây dựng theo quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là hơn 7.200 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là một phần trong dự án cao tốc Bắc Nam trục đường bộ xương sống của đất nước qua tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Cao tốc Bắc Nam qua Bình Thuận sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, sân bay Long Thành và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần và tạo đòn bẩy cho địa phương này phát triển kinh tế – xã hội.
|