Dù không ít cá nhân, doanh nghiệp Việt gặp khó khăn trước tác động của dịch bệnh, tinh thần chung sức cùng Chính phủ trong cuộc chiến đẩy lùi Covid-19 vẫn lan tỏa mạnh mẽ.
Chủ động vào cuộc, đồng hành cùng chương trình phòng chống dịch bệnh cũng như đóng góp quỹ tiêm chủng Covid-19 toàn dân là “hành động nhỏ, mang ý nghĩa lớn” của nhiều doanh nghiệp Việt.
Để người Việt được an toàn
Việt Nam đã khống chế 3 đợt dịch và đang từng bước kiểm soát đợt dịch thứ 4. Để thực hiện mục tiêu phòng dịch toàn dân, Chính phủ định hướng tăng độ bao phủ tiêm vaccine Covid-19 dưới hình thức xã hội hóa, giúp người dân có thể nhanh chóng tiếp cận vaccine phòng bệnh, đảm bảo an toàn cho xã hội. Việc có đủ nguồn vaccine là yếu tố quan trọng để chủ động kiểm soát dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường, từ đó phát triển kinh tế.
Việt Nam nhập khẩu vaccine để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho người dân. Ảnh: Chí Hùng.
Hơn một năm qua, Bộ Y tế không ngừng nỗ lực tiếp cận các nguồn vaccine. Theo ghi nhận của bộ, có khoảng 110 triệu liều vaccine cam kết cung cấp cho Việt Nam trong năm 2021, bao gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Song song đó, bộ cũng đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vaccine phòng Covid-19 theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.
Tính đến nay, có gần 1,1 triệu người Việt Nam được tiêm chủng ngừa Covid-19 và sắp có thêm 1,6 triệu người dân được tiêm chủng từ tháng 6. Mục tiêu của Chính phủ trong năm 2021 là có 150 triệu liều vaccine cho khoảng 75 triệu người Việt Nam - nhóm dân số có chỉ định tiêm ngừa.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Tài chính ước tính tổng kinh phí lên đến 25.200 tỷ đồng, trong đó, 21.000 tỷ đồng mua vaccine, số còn lại là chi phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng. Ngân sách trung ương dự kiến bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong trường hợp dịch kéo dài khiến nhu cầu vaccine tăng cao mỗi năm, mức kinh phí chi trả sẽ không dừng ở con số này. Bộ Tài chính đánh giá nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước, Việt Nam sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch toàn dân.
Doanh nghiệp Việt chung tay “góp” vaccine
Trong bối cảnh cân đối ngân sách Nhà nước khó khăn, Bộ Tài chính đã thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ của các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ đầu năm 2021 đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức tài trợ cho Quỹ vaccine. Gần nhất, Quỹ tiếp nhận 160 tỷ đồng và 4 triệu liều vaccine từ ngành ngân hàng và nhiều doanh nghiệp lớn. Ngành gỗ cũng có văn bản đề xuất mua 1 triệu liều vaccine, góp phần san sẻ khó khăn.
Tập đoàn Novaland ủng hộ 10 tỷ đồng cho quỹ mua vaccine phòng, chống dịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Với tổng ngân sách gần 60 tỷ đồng, Novaland đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như đóng góp mua vaccine phòng ngừa Covid-19 với khoản kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Hoạt động này góp phần lan tỏa mạnh mẽ sự sẻ chia cộng đồng, kịp thời hỗ trợ nhà nước trong công tác phòng và dập dịch.
Trước đó, tập đoàn này cũng đã trao tặng Bệnh viện Nhân dân 115 các trang thiết bị y tế chuyên dụng, công nghệ cao như máy lọc máu liên tục, máy thở, phòng áp lực âm... Đồng thời, giúp đỡ đội ngũ cán bộ y tế trực tiếp tham gia phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế, trung tâm cách ly có điều kiện làm việc tốt hơn.
Đại diện Tập đoàn Novaland trao tặng Bệnh viện Nhân dân 115 thiết bị y tế vào tháng 4/2020.
Novaland cũng tham gia kêu gọi nhiều đối tác, doanh nghiệp, cá nhân cùng chung tay với tập đoàn để tăng cường, đẩy mạnh sự hỗ trợ trang thiết bị y tế chuyên dụng, công nghệ cao phục vụ công tác phòng, chống và điều trị dịch bệnh hiệu quả, nhanh chóng hơn.
Đại diện Novaland cho biết trong thời gian tới, tập đoàn tiếp tục đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp Việt trong nhiều chương trình thiết thực để đóng góp vào nguồn lực của Nhà nước, hướng đến bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chung tay phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam.
Theo Zingsnew