Ngày 10/05/2018, chương trình “Nước sạch học đường” 2018 do Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP.HCM phát động chính thức triển khai thực hiện, với sự đồng hành của Tập đoàn Novaland. Trước khi bước vào năm học mới 2018 - 2019, dự kiến 52 trường học của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre và 27 trường học của huyện Tân Trụ, tỉnh Long An sẽ được trang bị hệ thống lọc cung cấp nước sạch uống trực tiếp đạt chuẩn kiểm nghiệm của viện Pasteur, với nguồn kinh phí ước tính gần 6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trúc Sơn - Bí thư Huyện uỷ huyện Thạnh Phú, Tỉnh Bến Tre cho biết: “Huyện Thạnh Phú có 26 km đường giáp biển. Biến đổi khí hậu đang là cản trở lớn cho việc phát triển kinh tế của huyện, vốn chủ yếu là làm nông nghiệp. Một năm 12 tháng thì khoảng 3-6 tháng huyện bị tác động của tình trạng xâm ngập mặn. Cả huyện chỉ có một nhà máy nước, đáp ứng được 1/3 nhu cầu của 150.000 người dân. Về giáo dục, toàn huyện chỉ có 3 trường có bể chứa nước và máy lọc để sử dụng, tạm đáp ứng nhu cầu của học sinh và giáo viên. 52 trường được đề xuất trong chương trình có điều kiện còn khó khăn, chưa có nguồn nước đảm bảo vệ sinh. Do vậy, chúng tôi rất vui mừng khi đoàn công tác của Hội, Tập đoàn Novaland và đơn vị kỹ thuật đã đến khảo sát, nghiên cứu và tài trợ cho huyện Thạnh Phú để triển khai chương trình “Nước sạch học đường” năm nay.”
Ông Nguyễn Trúc Sơn - Bí thư Huyện uỷ huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre phát biểu tại Lễ ký kết Thực hiện chương trình “Nước sạch học đường” sẽ được triển khai tại địa phương
Trong vòng 3 tháng sau ngày ký kết thực hiện, khoảng 516 máy lọc nước sẽ được lắp đặt hoàn thành tại 52 trường học của huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre; cung cấp nước sạch uống trực tiếp cho gần 20.000 học sinh và giáo viên. Sau Bến Tre, Chương trình “Nước sạch học đường” cũng sẽ được tiếp tục thực hiện tại các tỉnh thành khác.
Chương trình “Nước sạch học đường” sẽ mang đến nguồn nước đạt chuẩn cho hàng chục ngàn học sinh, giáo viên trước thềm năm học mới
Theo báo cáo của UNICEF, tại Việt Nam hiện nay có khoảng 17 triệu trẻ em chưa được sử dụng nước sạch; cục Y Tế Dự Phòng cũng công bố hiện còn 30% số trường vẫn chưa có đủ nước uống và nguồn nước sinh hoạt sạch phục vụ học sinh và giáo viên. Đặc biệt, nhiều báo cáo cho thấy khu vực ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ hiện tượng biến đổi khí hậu và thiếu nguồn nước sạch nghiêm trọng tại Việt Nam. Tình trạng xâm ngập mặn cùng với việc khai thác và sử dụng nguồn nước bất hợp lý đã dẫn đến tình trạng suy giảm chất lượng và khan hiếm nguồn nước sạch trầm trọng tại nhiều địa phương ở Tây Nam Bộ. Thêm nữa, việc phải sử dụng nguồn nước không an toàn từ giếng đào, nước mưa, nước tù, nước từ ao, hồ, sông, suối… đang mang đến những hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em như: bệnh về đường tiêu hóa, suy dinh dưỡng, bướu cổ, bệnh răng miệng, nhiễm giun sán, nhiễm độc chì hoặc asen dẫn đến nguy cơ ung thư cao.
Phát triển bền vững cùng cộng đồng, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là định hướng phát triển của Tập đoàn Novaland. Đây cũng chính là cam kết của Novaland đối với khách hàng, với xã hội và cộng đồng. Các hoạt động vì cộng đồng của Novaland tập trung vào 04 lĩnh vực chính: an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, giáo dục và phát triển cộng đồng. Trong những năm nay gần đây, Tập đoàn đã thực hiện hàng ngàn chương trình xã hội tại nhiều địa phương với kinh phí hơn 200 tỷ đồng.
Tiêu biểu như: học bổng Cô giáo Nhế của Novaland 13 năm liên tục hỗ trợ các em học sinh giỏi vượt khó; đồng hành với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM trong các hoạt động hỗ trợ người nghèo và tài trợ phẫu thuật cho trẻ em bị mắc bệnh tim tại TP.HCM và một số tỉnh thành khác (Đắc Lắk, Gia Lai, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Huế...); phối hợp với Vina Capital Foundation trong chương trình “Nối kết yêu thương” giúp trẻ em bị tim bẩm sinh; góp sức xây dựng hạ tầng cầu đường tại các tỉnh giáp biên giới, xây dựng công viên công cộng tại một số khu vực trọng yếu ở TP.HCM; hỗ trợ doanh nhân trẻ trên con đường khởi nghiệp …