TP.HCM đang dần trở lại với nhiều dấu hiệu tích cực - Ảnh: TRẦN DƯƠNG
Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, TP.HCM đã nhanh chóng áp dụng giãn cách xã hội trên toàn địa bàn. Sau thời gian 3 tháng giãn cách xã hội, tình hình dịch đã dần được kiểm soát và có những chuyển biến tích cực. Thời gian gần đây, số bệnh nhân chuyển nặng, số ca tử vong đã giảm dần.
Cụ thể, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, từ đầu đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27-4 đến nay), thành phố ghi nhận 291.871 ca mắc COVID-19, trong đó 11.792 người tử vong. Theo dữ liệu trên cổng thông tin COVID-19 của TP.HCM, số bệnh nhân tử vong có chiều hướng giảm đáng kể.
Các nhóm đối tượng được phép hoạt động cũng được mở rộng, lượng người lưu thông trên đường phố cũng dần đông đúc hơn. Đồng thời, các "vùng xanh" trên bản đồ COVID-19 cũng đang không ngừng mở rộng. Đây là những tín hiệu lạc quan cho việc TP.HCM đang dần đẩy lùi dịch bệnh, tiến dần đến trạng thái bình thường mới.
Để đạt được kết quả bước đầu đến hôm nay là cả sự nỗ lực không ngừng của các cấp lãnh đạo, tuyến đầu chống dịch, các đơn vị, cũng như mỗi cá nhân người dân. Chính phủ định hướng tăng độ bao phủ tiêm vắc xin COVID-19 là điều kiện quan trọng đưa thành phố về trạng thái bình thường mới.
Hưởng ứng lời kêu gọi này, dù tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã nhanh chóng chia sẻ, chung tay đóng góp vào quỹ vắc xin COVID-19. Đến nay, số lượng người dân tại TP.HCM tiêm mũi 1 đã bao phủ hơn 90% và đang tiến đến lộ trình bao phủ 100% mũi 2.
Tinh thần gấp rút, khẩn trương
Việc đầu tư vào các trang thiết bị y tế, xây dựng, trưng dụng các bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung, hay các trung tâm hồi sức tích cực nhanh chóng, kịp thời đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận cách ly và điều trị kịp thời các ca F0.
Thêm trung tâm hồi sức tích cực, thêm cơ hội mở ra cho người bệnh COVID-19
Nhằm góp phần tăng cường nguồn lực, cơ sở vật chất và hỗ trợ cho ngành y tế trong công tác phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh cũng như sớm mang cuộc sống bình thường mới đến với người dân, các doanh nghiệp đã tích cực đồng hành như Tập đoàn Novaland, VTP…
Chỉ tính riêng Novaland, đơn vị này đã sát cánh cùng TP.HCM thành lập 2 trung tâm hồi sức tích cực và sắp tới thêm 1 trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Trưng Vương 7 bệnh viện dã chiến, 2 khu cách ly tập trung. Sự đồng hành này góp phần tăng nguồn lực, cơ sở vật chất cho ngành y tế đẩy lùi dịch bệnh.
Bà Tô Thị Bích Châu - Ủy viên Ban Thường Vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM chia sẻ: "Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, công việc kinh doanh của các doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, điều đó không làm chùn bước những hành động tiên phong mạnh mẽ của Tập đoàn Novaland trong việc hỗ trợ công tác phòng chống đại dịch cũng như các hoạt động đồng hành cùng sự phát triển bền vững của thành phố".
Các đơn vị này đã đi vào hoạt động và góp phần mang đến nhiều cơ hội, nhiều hy vọng cho những người bệnh COVID-19. Đơn cử như, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP.HCM quản lý đã triển khai những thiết bị hiện đại nhất để điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, trong đó có robot. Robot sẽ nói chuyện với bệnh nhân, thông tin tình hình ra bên ngoài, đồng thời vận chuyển thức ăn, đồ uống, vật tư tiêu hao vào phòng bệnh.
Việc đầu tư công nghệ và thiết bị như robot giúp giảm bớt phần nào các công việc cho đội ngũ y bác sĩ, thúc đẩy việc điều trị cho bệnh nhân F0 hiệu quả hơn. Tính đến hiện tại đã có hơn 160 bệnh nhân đủ điều kiện xuất viện trên tổng số 750 bệnh nhân đang được điều trị tại đây.